Theo thống kê, số lượng người từ 15-29 tuổi không có việc làm dự kiến đạt mức 71 triệu vào cuối năm 2016, tăng 0,5 triệu người so với năm trước đó và là lần tăng đầu tiên trong 3 năm qua.
Con số này tương đương tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức 13,1%, cao hơn 0,2% so với năm 2015 và gần bằng con số kỷ lục 13,2% năm 2013. Theo báo cáo, các nước Ả Rập có tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao nhất thế giới (trên 30%), theo sau là các nước Bắc Phi (gần 30%).
Một thực trạng buồn khác là ngay cả khi nhiều thanh niên có việc làm tại các nước đang phát triển và đang nổi, vẫn có đến 156 triệu người sống trong cảnh nghèo vì chỉ kiếm được chưa đến 3,1 USD (gần 70.000 đồng)/ngày. Tình trạng thất nghiệp cao, cộng với xung đột vũ trang, thiên tai… là những lý do thúc đẩy nhiều người di cư với hy vọng có được cuộc sống tốt hơn. Theo ILO, một cuộc khảo sát năm 2015 cho thấy có đến 20% người trong độ tuổi 15-29 nói sẵn sàng rời bỏ quê hương để tìm kiếm cơ hội việc làm tại nước khác.
Tình trạng kinh tế thế giới tăng trưởng “uể oải” được xem là nguyên nhân khiến cơ hội việc làm cho giới trẻ không có nhiều. Theo ILO, tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ được thúc đẩy bởi sự suy thoái sâu hơn dự kiến tại một số nền kinh tế mới nổi dựa nhiều vào xuất khẩu hàng hóa và sự tăng trưởng trì trệ tại các nền kinh tế phát triển.
Điều đáng lo là triển vọng việc làm của giới trẻ thế giới năm 2017 được dự báo không cải thiện bao nhiêu so với năm nay. Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc phụ trách chính sách của ILO, cảnh báo bức tranh việc làm u ám của giới trẻ cho thấy thế giới sẽ không dễ đạt mục tiêu xóa nghèo vào năm 2030 nếu không tăng cường nỗ lực để có được tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo nhiều công ăn việc làm tử tế, có thu nhập ổn định.
Bình luận (0)