Tàu sân bay "cây nhà lá vườn" đầu tiên của Trung Quốc, được nhắc đến là tàu Type 001A, hạ thủy vào tuần rồi nhưng vẫn chưa có tên gọi chính thức.
Một cuộc thăm dò trực tuyến kêu gọi người dân Trung Quốc chọn tên cho tàu sân bay nói trên nhận được sự quan tâm lớn. Những cái tên như “tôm tít” hay “Đài Loan” nhận được sự ủng hộ nhiều nhất. Đến sáng ngày 4-5, cái tên “tôm tít” nhận được 1,37 triệu lượt bình chọn.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo vào ngày 27-4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân (Yang Yujun) khẳng định tàu sân bay nội địa đầu tiên của Bắc Kinh sẽ không lấy tên “tôm tít”.
Vị này tuyên bố tàu sân bay Type 001A sẽ được đặt tên chính thức sau khi nó đi vào hoạt động – nhiều khả năng là vào năm 2020.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc vẫn chưa có tên gọi chính thức. Ảnh: Reuters
Tôm tít là loại hải sản được ưa chuộng tại Trung Quốc nhưng bị đem ra chế giễu vì ngoại hình kỳ lạ của nó. Tuy nhiên, tờ People’s Daily (Trung Quốc) nhận định biệt danh “tôm tít” mà giới trẻ nước này đặt cho tàu sân bay nội địa chính là một ví dụ thể hiện sự quan tâm của họ đến các vấn đề quốc gia.
Cũng theo tờ báo, việc Bộ Quốc phòng chính thức phản hồi thông tin về cái tên “tôm tít” cũng cho thấy dường như khoảng cách giữa những vấn đề quân sự quan trọng và cộng đồng mạng đã được thu hẹp. People’s Daily mô tả đây là một tín hiệu tích cực.
Trước đó, hôm 27-4, ông Dương cũng công khai xin lỗi vụ việc tấm áp phích đăng tải trên các trang mạng xã hội của Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị lỗi cắt ghép ảnh.
Tấm áp phích, được đăng tải nhân dịp 68 năm thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc, thể hiện hình ảnh các tàu hải quân và chiến đấu cơ bên cạnh tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, chiến đấu cơ trên áp phích lại là chiến đấu cơ Nga còn tàu hải quân lại là tàu Mỹ chứ không phải của Trung Quốc.
Sự việc này khiến cộng đồng mạng Trung Quốc giận dữ. Ông Dương khẳng định Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ không xóa tấm áp phích lẫn những lời bình luận chỉ trích nặng nề đăng trên tài khoản mạng xã hội để lấy đó làm lời cảnh báo.
Bình luận (0)