Theo tính toán của cơ quan này, Bộ trưởng Syahrul Yasin Limpo cho biết họ cần hàng trăm tỉ rupiah. Đó là số tiền khá lớn nên Bộ Nông nghiệp sẽ hoãn một số chương trình để tập trung vào kế hoạch "ATM gạo". Bộ trường Syahrul Yasin Limpo nói với tờ Tempo vào ngày 14-4: "Mỗi lần, ATM gạo sẽ phát 1,5 kg". Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp sẽ giám sát chặt chẽ việc cung cấp và phân phối thực phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung cho người dân.
Trước đây, vào năm 2017, Ủy ban Quốc gia về Zakat (zakat - khoản đóng góp hằng năm của tín đồ Hồi giáo dùng cho mục đích tôn giáo và từ thiện) của Indonesia đã đưa ra mô hình máy ATM gạo nhằm cải thiện chất lượng sống người dân nghèo. Theo mô tả của trang puskasbaznas lúc đó, những đối tượng được hưởng trợ cấp có thể lấy gạo miễn phí từ "ATM gạo" bằng cách sử dụng thẻ xác minh mình thuộc diện được hỗ trợ.
Máy "ATM gạo" của Indonesia năm 2017. Ảnh: puskasbaznas
Máy do cựu sinh viên của Học viện Công nghệ Bandung thiết kế và được đặt ở một số địa điểm ở vùng đô thị Jabotabek, bao gồm thủ đô Jakarta và 2 huyện của 3 tỉnh lân cận. Mỗi "ATM gạo" có thể trữ 230 lít gạo, có thể đáp ứng nhu cầu của 120 hộ gia đình.
Vào thời điểm chương trình này được thực hiện thì số lượng người nghèo ở Indonesia cao lên tới 28,01 triệu người, theo số liệu chính phủ vào tháng 3-2016. Ngoài ra, Indonesia là một trong những quốc gia có tỉ lệ đói nghiêm trọng trên thế giới đạt 21,9 điểm trong Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2016.
Mẫu ATM gạo dùng để cung cấp gạo cho người nghèo và còn có thể nhận tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm ở Malaysia. Ảnh: Free Malaysia Today
Hồi tháng 2-2019, Malaysia mua mẫu máy ATM gạo của Indonesia với giá 10.000 ringgit (56,8 triệu đồng). Khi đó, Cục Các lãnh thổ Hồi giáo liên bang Malaysia (JAWI) cho lắp máy rút gạo tự động đầu tiên trên cả nước Malaysia nằm tại đền thờ Al-Akram thuộc khu vực Datuk Keramat, phía Đông Bắc thủ đô Kuala Lumpur. Có bề ngoài không khác những máy rút tiền thông thường, chiếc ATM đặc biệt cung cấp gạo cho những người nghèo thuộc diện được hưởng "zakat".
Để nhận gạo, người dùng chỉ cần chạm vào màn hình cảm ứng và sẽ rút được 2 kg gạo. Điều thú vị là chiếc máy này còn có thể nhận tiền quyên góp. Theo JAWI, tất cả số tiền quyên góp tại máy sẽ được dùng để mua thêm gạo cho người nghèo.
Bình luận (0)