Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ và đào tạo năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Trong lễ thông báo trực tuyến của ba bên diễn ra từ thủ đô mỗi quốc gia, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng Úc sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng sẽ sử dụng các hệ thống động cơ đẩy bằng năng lượng hạt nhân cho các tàu, nhằm đối phó với những mối đe doạ trong tương lai.
Thủ tướng Úc cho biết các tàu ngầm sẽ được chế tạo tại TP Adelaide ở phía Nam nước Úc, với sự hợp tác chặt chẽ cùng Anh và Mỹ. Ông Morrison khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện mọi nghĩa vụ về không phổ biến vũ khí hạt nhân". Tuy nhiên, quân đội Úc sẽ sử dụng hệ thống đẩy năng lượng hạt nhân cho các tàu ngầm để đề phòng các "mối đe dọa trong tương lai".
Thủ tướng Úc Scott Morrison trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson xem việc Úc theo đuổi công nghệ này là quyết định quan trọng, một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới.
Các bên sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc về vấn đề này trong 18 tháng tới. Anh sẽ tính toán chi tiết về công việc của từng quốc gia và công ty với mục tiêu chuyển giao chiếc tàu ngầm đầu tiên càng nhanh càng tốt.
Giới chức Mỹ không nêu khung thời gian Úc sẽ triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc bao nhiêu tàu ngầm sẽ được chế tạo. Các quan chức lưu ý Úc không có bất kỳ cơ sở hạ tầng hạt nhân nào nên sẽ cần nỗ lực bền vững trong nhiều năm.
Một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng động cơ hạt nhân sẽ giúp hải quân Úc hoạt động "êm" hơn, trong thời gian dài hơn và tạo ra năng lực răn đe trên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Quan chức Mỹ cũng thừa nhận việc Washington giúp Úc phát triển tàu ngầm hạt nhân là một động thái rất đặc biệt, bởi từ trước đến nay Anh là nước duy nhất được Mỹ hỗ trợ xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina neo đậu ở căn cứ hải quân Changi của Singapore năm 2014. Ảnh: Reuters
Quan chức Mỹ khẳng định công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Việc hỗ trợ Úc có thể là một ngoại lệ đối với Mỹ và sẽ không có ngoại lệ nào khác sau lần này. Từ trước tới nay, Washington chỉ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân 1 lần cho London vào năm 1958.
Cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper nói với CNN rằng đây là một bước đi táo bạo của Úc do nền kinh tế nước này phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông Clapper nói thêm: "Rõ ràng là người Trung Quốc sẽ coi đây là hành động khiêu khích". Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse nghĩ rằng bước đi này "gửi một thông điệp rõ ràng về sức mạnh" tới Trung Quốc.
Động thái này được thực hiện như một phần của "loạt bước tiến lớn hơn" trong khu vực của chính quyền ông Biden, bao gồm quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ hơn với các đồng minh lâu dài Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, và các cam kết mạnh mẽ hơn với các đối tác mới trong khu vực.
Thỏa thuận ba bên Mỹ - Anh - Úc về hợp tác quốc phòng (gọi tắt là Aukus) cũng đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận trị giá 40 tỉ USD hồi năm 2016 giữa Úc và Pháp, với nội dung mua một hạm đội tàu ngầm với tập đoàn đóng tàu ngầm Pháp để thay thế các tàu ngầm Collins của Úc.
Thỏa thuận mới nêu trên mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và một số công ty có thể hưởng lợi là General Dynamics Corp và Huntington Ingalls Industries.
Bình luận (0)