. “Tôi muốn xin lỗi các đối tác của chúng tôi và các nhà quảng cáo có thể đã bị ảnh hưởng vì các quảng cáo của họ hiển thị kế cận nội dung đáng tranh cãi. Chúng tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm” - ông Matt Brittin - Giám đốc kinh doanh và hoạt động của Google ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi - phát biểu trong ngày khai mạc tuần lễ quảng cáo châu Âu ở thủ đô London - Anh.
Thừa nhận an toàn nhãn hiệu hiện là vấn đề toàn cầu, ông Brittin cam kết nâng cao chuẩn mực về vấn đề này trên các đoạn video và website. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết liệu Google có chủ động hơn trong việc xác định những website chia sẻ nội dung cực đoan hay không. Thay vào đó, ông này khẳng định công ty đã đầu tư hàng triệu USD vào bộ máy nhân lực hàng ngàn người để duy trì chất lượng hoạt động quảng cáo.
Google đưa ra lời xin lỗi sau khi nhiều thương hiệu toàn cầu - như Marks & Spencer, Toyota và Heinz - nối tiếp nhau rút quảng cáo ra khỏi YouTube vì ngán ngại nội dung quá khích. Cuối tuần trước, 3 ngân hàng hàng đầu Anh là HSBC, Lloyds và Ngân hàng Hoàng gia Scotland cũng có động thái tương tự.
Ngoài ra, theo báo Daily Mail, chính phủ Anh đã đình chỉ đăng quảng cáo trên YouTube sau khi một số quảng cáo của lĩnh vực công xuất hiện kế bên các đoạn video mang thông điệp chống người đồng tính và người Do Thái. Nước Anh là thị trường lớn thứ hai của Google (sau Mỹ), đem lại cho công ty 7,8 tỉ USD trong năm 2016, chủ yếu từ quảng cáo. Theo nữ nghị sĩ Yvette Cooper, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt các vấn đề nội bộ quốc hội Anh, lời xin lỗi suông không đủ. Bà nhấn mạnh Google phải làm nhiều hơn nữa để loại bỏ nội dung quá khích.
Theo Reuters, Google khẳng định họ đã làm việc cật lực để loại bỏ quảng cáo xuất hiện trên những trang hoặc video có nội dung xấu. Tuy nhiên, với 400 giờ video tải lên YouTube mỗi phút, công ty này thừa nhận đây không phải là công việc dễ dàng. Ngoài Google, mạng xã hội Facebook và ứng dụng nhắn tin Snapchat cũng đối mặt lời kêu gọi bảo vệ các thương hiệu khỏi nguy cơ bị hoen ố như trên.
Bình luận (0)