Trong cuộc bỏ phiếu ngày 21-5 trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật gồm 2 phần: Quyền xúc tiến thương mại (TPA, còn gọi là quyền đàm phán nhanh) và TAA.
Tuy nhiên, trong ngày 12-6, Hạ viện Mỹ chỉ thông qua TPA (với 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống) trong khi phản đối trao TAA (với 302 phiếu chống và chỉ có 126 phiếu thuận) cho Tổng thống Obama. Sự phản đối chủ yếu đến từ các nghị sĩ Dân chủ.
Điều này đồng nghĩa với việc ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa thể toàn quyền quyết định ký các thỏa thuận thương mại với hơn 10 quốc gia đối tác châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trường hợp nhà lãnh đạo Mỹ được Hạ viện trao quyền sử dụng cả TPA và TAA cùng lúc, Quốc hội sẽ chỉ được chấp nhận hoặc phủ quyết mà không thể thay đổi hay điều chỉnh bất kỳ điều khoản nào do ông Obama quyết định.
Chuyến đi hiếm thấy của ông Obama tới Điện Capitol hôm 12-6 để vận động đã không thành công.
Ảnh: AP
Thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, kêu gọi các nghị sĩ Dân chủ phản đối dự luật nhằm “đạt được một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ”. Bà cho rằng phần dự luật TPA do Thượng viện thông qua không giúp được nhiều cho người lao động Mỹ bị mất việc làm do Hiệp định TPP mà Nhà Trắng đang theo đuổi.
Trong khi bị “người nhà” là các thành viên Đảng Dân chủ phản đối, ông Obama lại nhận được sự ủng hộ của khá đông nghị sĩ Cộng hòa. Giới phân tích đánh giá "cuộc chiến" TPA phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ đang nắm quyền hành pháp.
Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn chính quyền Tổng thống Obama có được TPA trước khi hoàn tất hiệp định.
Bình luận (0)