Một cuộc chiến tranh lớn hơn có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc một phần vào quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, một phần dựa vào phản ứng quân sự của phương Tây và phần do may mắn.
Nga hôm 15-2 đã có 2 quyết định nhằm xoa dịu căng thẳng cuộc khủng hoảng Ukraine khi thông báo rút quân và để ngỏ khả năng đàm phán với phương Tây.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh cho biết họ cần bằng chứng về việc rút quân và cảnh báo mối đe dọa về một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine vẫn còn hiện hữu.
Trước tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng từ Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay 150.000 binh sĩ Nga đang tập trung gần Ukraine và ở nước láng giềng Belarus, tăng so với ước tính trước đó của Mỹ là 130.000 binh sĩ.
Theo hãng tin AP, ông Biden cảnh báo nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ và các đồng minh sẽ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ gây ra thiệt hại lớn về kinh tế và cô lập Nga trên toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến Đức có thể bị hủy nếu Nga tấn công Ukraine.
Một đoàn tàu chở các xe tăng Nga rời bán đảo Crimea. Ảnh chụp từ video được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 16-2. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không xung đột với Nga ở Ukraine và các đồng minh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) của Mỹ cũng không hành động tương tự. Vì vậy, cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine sẽ không thể kích hoạt một cuộc chiến quy mô lớn hơn.
Nhưng nếu chính quyền ông Putin thực hiện cuộc tấn công vượt ra ngoài biên giới Ukraine vào lãnh thổ các nước thành viên NATO, Mỹ có thể can dự vì Washington có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố của Tổng thống Biden cho thấy sự thay đổi phần nào lập trường so với những cảnh báo đáng lo ngại trước đó của các quan chức trong chính quyền Mỹ.
Sau tuyên bố của Nga về việc rút quân, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết dù ông không thấy có bằng chứng về hành động rút quân "đáng kể và lâu dài" của các lực lượng Nga nhưng động thái mới nhất cho thấy Moscow muốn hạ nhiệt căng thẳng và gửi đi tín hiệu rằng sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao.
Người đứng đầu Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel hôm 16-2 đã thúc giục Nga có các bước thực tế để giảm leo thang căng thẳng.
Phản ứng trước diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine phần nào được xoa dịu, hàng loạt chỉ số quan trọng tại châu Á bắt đầu tăng trưởng trở lại. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) hôm 16-2 tăng 1,1%, bắt kịp đà tăng của chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên giao dịch hôm 15-2 (giờ địa phương).
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 2,2% sau 2 ngày sụt giảm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,1%. Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng thêm 1,3% và chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,7%.
Trong khi đó, dòng tiền đã đổ trở lại vào thị trường chứng khoán Mỹ sau thông tin Nga rút quân. Theo đài CNBC, chỉ số Dow Jones tăng hơn 400 điểm, lấy lại toàn bộ số điểm đã mất ở 3 phiên giao dịch trước đó. Cùng lúc, dầu và vàng vốn được lựa chọn là kênh trú ẩn tài sản lại bị bán ra khiến cả 2 mặt hàng này giảm giá sâu.
Ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Công ty Môi giới ngoại hối Pepperstone (Úc), tỏ ra thận trọng khi cho rằng thông tin vẫn có thể thay đổi nhanh chóng và các rủi ro địa chính trị có thể quay trở lại. Ông Kyle Rodda, nhà phân tích của Tổ chức Tài chính IG (Úc), cho rằng tình hình thương mại sẽ đảo chiều nếu các hoạt động ngoại giao diễn biến tốt đẹp và căng thẳng giảm bớt.
Tuy nhiên, ông Rodda nhận định: "Sự căng thẳng xoay quanh vấn đề Ukraine chỉ làm xao nhãng thực tế rằng vẫn còn những rủi ro và lo ngại lớn về chính sách tiền tệ toàn cầu và điều đó có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính như thế nào. Khi căng thẳng địa chính trị giảm bớt, đây sẽ là yếu tố tạo nên sự biến động trên thị trường tài chính".
Bình luận (0)