SOA khẳng định đây là “tin đồn thất thiệt”, thông tin chỉ mang tính giật gân và không đúng sự thật. Người phát ngôn của Cục Hải dương quốc gia cho biết tàu Hải giám Trung Quốc “chỉ áp dụng các biện pháp hành chính” và việc rượt đuổi tàu cá Nhật Bản ngoài Hoa Đông “là hoàn toàn hợp lý”. Hơn nữa, 3 tàu Hải giám này “chưa được trang bị súng máy hạng nặng”.
Hải giám 66 của Trung Quốc bị tố liên tục giương súng máy ngắm bắn tàu cá Nhật Bản hôm 18-2.
Ảnh: QIANZHAN.COM
Trước đó, tạp chí POST của Nhật Bản cho biết ngoài việc rượt đuổi tàu cá Zenko Maru ở vùng biển phụ cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 18-2, một trong 3 tàu Hải giám Trung Quốc còn bật súng máy chĩa thẳng về phía tàu cá Nhật Bản.
Theo lời kể của các ngư dân trên tàu Zenko Maru, họ đã cố gắng chạy vòng quanh Senkaku/Điếu Ngư song vẫn bị bám theo suốt gần 90 phút với khoảng cách tầm 60 - 70 m. Khi ấy, Hải giám 66 liên tục giương súng máy ngắm bắn tàu cá Nhật Bản cho tới khi tàu cá rời khỏi vùng biển Senkaku/Điếu Ngư mới thôi. Một nguồn tin tiết lộ rằng phía Trung Quốc cảnh cáo tàu cá này sẽ bị bắn chìm.
Báo Phụng Hoàng dẫn lời của đại diện SOA cho biết ngày hôm nay (28-2), tàu Hải giám sẽ tiếp tục việc tuần tra ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư.
Ông La Viện cho rằng Trung Quốc không được để rơi vào thế bị động. Ảnh: SOHU
Trong một diễn biến khác, Thời báo Hoàn cầu ngày 26-2 đăng bài viết của thiếu tướng La Viện thuộc Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc nhan đề “Dùng 5 biện pháp lớn phá thế bao vây của Nhật Bản”.
Trong bài viết, ông La cho rằng Trung Quốc không được để rơi vào thế bị động dẫu Nhật Bản bày binh bố trận xung quanh. Theo Tướng La, Bắc Kinh phải vượt ra ngoài vòng vây này bằng cách sử dụng thủ đoạn của Nhật Bản để đối phó lại với Nhật Bản; tìm cách gây rối loạn nội bộ địch; thực hiện các động thái khôn ngoan nhanh hơn đối thủ; tích cực bố trí thế trận và giữ lập trường nhất quán về vấn đề biển đảo.
Bình luận (0)