Vụ va chạm của tàu USS John S.McCain với tàu chở dầu ngoài khơi Singapore, gần eo biển Malacca hôm 21-8 là vụ va chạm lớn thứ hai chỉ trong vòng 2 tháng qua của Hạm đội 7, làm 5 thủy thủ bị thương và 10 người mất tích.
Đây cũng là vụ va chạm thứ tư liên quan tới hạm đội đóng ở Thái Bình Dương này trong năm 2017. Sau khi thợ lặn vào khu vực hư hỏng của tàu USS John S.McCain hôm 22-8, đã tìm thấy một số thi thể. Phía Malaysia cũng phát hiện thi thể trên biển.
Ông Jeff Stutzman, giám đốc tình báo của Công ty Bảo mật Wapack Labs (Mỹ), đánh giá không thể có chuyện khu trục hạm của Mỹ đi qua eo biển Malacca đông đúc như vậy lại không có đủ đội hoa tiêu hoạt động và quan sát toàn diện trên màn hình radar.
"Có gì đó xảy ra không chỉ nằm ở lỗi của con người bởi có nhiều người tham gia quá trình kiểm soát" - vị chuyên gia nhấn mạnh, đồng thời cho rằng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về hành vi phá hoại điện tử.
Tàu khu trục USS John S. McCain bị hư hại sau vụ va chạm Ảnh: REUTERS
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ - Đô đốc John Richardson - cũng không loại trừ khả năng một vụ tấn công mạng liên quan tới vụ va chạm mới nhất.
Trong ngày 21-8, ông ra lệnh tất cả hạm đội Mỹ trên toàn thế giới tạm dừng hoạt động trong khi Hải quân mở cuộc điều tra lớn, trong đó có rà soát khả năng xâm nhập mạng hoặc hành vi phá hoại. Dù ông Richardson nhấn mạnh chưa có dấu hiệu nào thể hiện khả năng này, một số chuyên gia về an ninh mạng vẫn cho đây là nguyên nhân hàng đầu.
Từng có nhiều năm làm việc trong cơ quan tình báo Israel, ông Itay Glick, người sáng lập Công ty An ninh mạng Votiro (Israel), thậm chí còn nghi ngờ sự dính líu của Nga và Trung Quốc - 2 quốc gia được ông đánh giá là có khả năng tấn công mạng nhằm vào tàu chiến Mỹ.
Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh chắc chắn không phải là sự trùng hợp khi liên tiếp xảy ra 2 vụ va chạm của các tàu của Hạm đội 7, lại toàn là những tàu chiến hiện đại, được trang bị các cảm biến tinh vi.
Theo phân tích của ông Glick, có 2 con đường can thiệp hệ thống mạng trên tàu, gồm tấn công tín hiệu định vị toàn cầu nhằm tác động khả năng dẫn đường của tàu và tấn công vào mạng lưới máy tính để đưa ra thông tin sai lệch trên tàu.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 22-8 cho rằng hai vụ va chạm xảy ra trong vòng 2 tháng cho thấy mức độ sẵn sàng chiến đấu cũng như năng lực quản lý của Hải quân Mỹ đều giảm sút. Đồng thời, tờ báo còn chỉ trích Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ không có những biện pháp hiệu quả nhằm tránh các vụ va chạm ở biển Đông và cho rằng hoạt động của họ chỉ nhằm vào mục đích do thám Bắc Kinh.
Bình luận (0)