12 phụ nữ trên cùng với 1 nam quản lý làm việc tại một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc trước khi chạy đến thủ đô Seoul – Hàn Quốc hồi tháng 4. Trong khi Seoul khẳng định họ đến trên tinh thần tự nguyện thì phía Bình Nhưỡng cáo buộc 13 người này bị bắt cóc.
Một nhóm luật sư nhân quyền đã yêu cầu tiền hành cuộc điều trần để xác định liệu việc Hàn Quốc tiếp tục tạm giữ những phụ nữ này có hợp pháp hay không.
Cuộc điều trần không được diễn ra công khai và chưa rõ liệu những phụ nữ trên có xuất hiện để cung cấp thông tin hay không. Tuy nhiên, phiên tòa có thể thiết lập tiền lệ về cách Hàn Quốc xử lý hàng trăm người Triều Tiên đào tẩu đến đây mỗi năm.
Trong khi đó, một nhóm những người đào tẩu khác cho biết họ vừa gửi thư đến thẩm phán chủ trì phiên tòa để bày tỏ sự phản đối về hành động mở phiên điều trần.
Những phụ nữ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Truyền thông địa phương cho biết nhóm luật sư này có được sự ủy quyền của gia đình những người đào tẩu tại Triều Tiên để tham dự phiên điều trần.
Đến nay, những người phụ nữ này vẫn chưa phát biểu công khai trước công chúng và chính phủ Hàn Quốc thông báo rằng họ không muốn làm vậy. Nếu thông tin này chính xác, lý do có thể là họ sợ gia đình bị trả thù ở Triều Tiên.
Một vài người thân và bạn bè của những phụ nữ này đã được phỏng vấn ở Triều Tiên. Theo văn phòng hãng tin AP ở Bình Nhưỡng, bà Ri Gum-suk, mẹ của 1 trong những phụ nữ đào tẩu, cho biết cả gia đình bà đều rất đau lòng.
Hãng tin AP dẫn lời chồng bà Ri, ông So Thae-song, nói: “Họ nói con của tôi đào tẩu tự nguyện nhưng nếu thế, tại sao họ không để chúng tôi gặp nó? Tôi muốn nghe từ chính miệng con gái mình. Họ nói rằng chúng nó tự đào thoát theo nhóm. Tôi không thể chấp nhận điều đó”.
AP cho biết các câu trả lời trên có thể đã được chính quyền Bình Nhưỡng chuẩn bị trước.
Gia đình và bạn bè của nhóm phụ nữ đào tẩu trong cuộc phỏng vấn tại Triều Tiên. Ảnh: AP
Trước khi phiên tòa trên diễn ra, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) thông báo họ sẽ tạm giữ nhóm 13 người nói trên vì lý do an toàn. “NIS cho biết quyết định này được đưa ra vì lý do an ninh và đây là một vụ đào tẩu thu hút nhiều chú ý. Triều Tiên đang dùng vụ việc cho mục đích tuyên truyền” – một quan chức chính phủ nói.
Thông thường, những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc được ở trong các trung tâm đặc biệt. Họ sẽ bị cơ quan tình báo thẩm vấn để xác định xem có phải là gián điệp không. Nếu không, những người này sẽ được tham dự các khóa học để làm quen với cuộc sống ở Hàn Quốc như cách tìm việc làm, cách dùng tài khoản ngân hàng...
Rất nhiều người đào tẩu cảm thấy khó thích ứng với cuộc sống mới. Tỷ lệ tự sát ở những người này cao hơn so với dân số nói chung.
Khoảng 1.000 người Triều Tiên đào tẩu mỗi năm. Con số này giảm dần trong những năm gần đây do kinh tế Triều Tiên được cải thiện phần nào. Phần lớn những người này đào tẩu qua biên giới Trung Quốc.
Thông báo về vụ đào tẩu hàng loạt được Hàn Quốc công bố chỉ vài ngày trước khi Triều Tiên tổ chức đại hội đảng tháng rồi. Một số người cho rằng đây là hành động nhằm làm giảm sự chú ý dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào thời điểm đó nhưng Seoul đã bác bỏ nhận định này.
Bình luận (0)