Trong hơn 18 tháng qua, Bộ Thống nhất Hàn Quốc gửi quan chức tới ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm để gọi điện thoại cho phía Triều Tiên vào lúc 9 và 16 giờ mỗi ngày nhưng Bình Nhưỡng không hề nhấc máy.
Giữa thời điểm Triều Tiên đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa, Bộ Thống nhất Hàn Quốc – ra đời nhằm cải thiện quan hệ với nước láng giềng miền Bắc - đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự.
Cách đây không lâu, Bộ Thống nhất Hàn Quốc còn đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập các cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo 2 miền Triều Tiên cũng như đưa ra các dự án kinh tế chung vào những năm 2000. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên đã làm cho vai trò của bộ này bị lu mờ.
Một binh sĩ Triều Tiên ở khu vực biên giới, gần làng Bàn Môn Điếm. Ảnh: EPA
Tại Hàn Quốc, những quyết định quan trọng nhất liên quan đến Triều Tiên hiện tại do văn phòng tổng thống, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao xem xét. Bộ Thống nhất chỉ còn làm công việc đưa ra các tuyên bố về hoạt động thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên và tuyên truyền.
Người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun chia sẻ: "Bạn cần cả 2 tay để vỗ và Triều Tiên không phản ứng gì cả. Nhưng nó sẽ không kéo dài mãi mãi. Trong quá khứ, có những thời điểm phải mất tới 1 hoặc 2 năm để làm tan băng mối quan hệ sau những lúc thù hận".
Hồi tháng 7, Triều Tiên bác bỏ đề nghị duy trì các cuộc đàm phán quân sự liên Triều và của Hội Chữ thập đỏ do Bộ Thống nhất Hàn Quốc đề xuất.
Ra đời từ năm 1969, tiền thân là Uỷ ban Thống nhất quốc gia, vai trò của Bộ Thống nhất Hàn Quốc được khẳng định dưới thời cựu Tổng thống Roh Tae-woo. Ông Roh lúc đó tìm cách cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Hai miền Nam – Bắc Triều Tiên tổ chức cuộc hội đàm cấp cao lần đầu tiên vào năm 1990 và cả 2 nước đều gia nhập Liên Hiệp Quốc vào cùng thời điểm - năm 1991. Tiếp đến, 2 vị tổng thống của Hàn Quốc là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il lần lượt vào các năm 2000 và 2007.
Nhưng các chính phủ ở Hàn Quốc từ năm 2008 trở lại đây đã đi theo đường lối cứng rắn, xoá đi những nỗ lực hòa giải với Triều Tiên trong quá khứ. Cựu Tổng thống Lee Myung-bak từng cân nhắc đóng cửa Bộ Thống nhất, đồng thời chuyển giao vai trò của bộ này cho Bộ Ngoại giao.
Người kế nhiệm ông, bà Park Geun-hye, đã rút các doanh nghiệp Hàn Quốc ra khỏi khu công nghiệp ở Kaesong – Triều Tiên hồi tháng 2-2016, biểu tượng hợp tác cuối cùng giữa 2 bên.
Cựu Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Se-hyun nhận định bộ này cần tiếp tục vai trò kêu gọi Bình Nhưỡng đối thoại. Đến một ngày, có thể chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đổi ý và ngồi vào bàn đàm phán.
Triều Tiên dọa đem "mây hạt nhân" tới Nhật Bản
Hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 2-10 phản bác lời kêu gọi gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của Nhật Bản. KCNA mô tả chiến thuật của nước láng giềng là "hành động tự sát", đồng thời dọa cho Tokyo nếm "mây hạt nhân" và "chìm trong biển lửa trong giây lát".
Trước đó, trong bài diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York – Mỹ hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ ngăn chặn Triều Tiên tiếp cận "hàng hoá, tiền của, con người và công nghệ" cần thiết để phát triển chương trình vũ khí. "Điều cần làm không phải là đối thoại mà là gây áp lực" – ông Abe nói.
Vụ nổ bom H phía trên Quần đảo Marshall - Thái Bình Dương của Mỹ hồi tháng 3-1954. Ảnh: US DEPARTMENT OF DEFENCE
Bình luận (0)