Báo The Washington Post hôm 14-9 dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Tình báo của Quốc hội Hàn Quốc Lee Cheol-woo cho biết: "Chúng tôi đang ở đây để yêu cầu (Mỹ) tái triển khai đầu đạn hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc".
Phái đoàn do ông Lee dẫn đầu bao gồm các thành viên của Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập. Ông Lee cũng là Chủ tịch Ủy ban Phản ứng hạt nhân đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc.
Cách đó 1 ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với đài CNN rằng ông không đồng ý việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại nước này cũng như bác bỏ ý định tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, phái đoàn của ông Lee cho hay một khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang trở nên tồi tệ hơn, sự thúc đẩy của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc Quốc hội có thể giúp thuyết phục Seoul thay đổi quan điểm.
"Đảng cầm quyền lên nắm quyền nhờ họ phản đối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ và vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc. Nhưng nếu chính phủ Mỹ yêu cầu, họ sẽ phải lắng nghe những đề xuất triển khai thêm đầu đạn hạt nhân" - ông Lee nói.
Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho biết "đề xuất cần được xem xét một cách nghiêm túc".
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (thứ hai từ phải qua) kiểm tra một đầu đạn hạt nhân. Ảnh: KCNA
Phái đoàn Hàn Quốc sẽ gặp đặc phái viên về chính sách Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Joe Yun, cùng với các nghị sĩ đặc trách vấn đề châu Á như các thượng nghị sĩ Cory Gardner và Dan Sullivan (đảng Dân chủ).
Trước vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng hôm 3-9, các cuộc thăm dò tại Hàn Quốc cho thấy 68% số người tham gia khảo sát ủng hộ việc tái triển khai vũ khí hạt nhân và 60% ủng hộ Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc trong phần lớn thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh nhưng sau đó bị cựu Tổng thống George H.W. Bush loại bỏ vào năm 1991.
Nếu tái triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, có vẻ như Mỹ sẽ đi ngược lại mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Song những người đề xuất ý tưởng này đưa ra 3 lý do để Washington làm như vậy: Thứ nhất, Triều Tiên đã gần đạt được khả năng phóng vũ khí hạt nhân thông qua tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Thứ hai, việc Hàn Quốc tăng cường khả năng hạt nhân sẽ buộc Trung Quốc phải làm nhiều hơn để kiềm chế người hàng xóm của mình. Cuối cùng, hạt nhân có thể được Seoul sử dụng làm chiêu bài mặc cả với Bình Nhưỡng trong tương lai.
Bình luận (0)