Lực lượng an ninh đã kiểm soát được tình hình sau vài giờ xô xát với hàng trăm người biểu tình. Bất chấp những nỗ lực phản đối của nhóm người này, 4 bệ phóng tên lửa của THAAD vẫn được 10 xe quân sự Mỹ vận chuyển từ căn cứ không quân Osan gần thủ đô Seoul tới địa điểm lắp đặt vào sáng 7-9 (giờ địa phương).
Ước tính gần 400 người đã tập trung phía trước tòa nhà chính quyền ở tỉnh Gyeongsangbuk, tìm cách đột nhập vào bên trong. Một số đoạn video do các nhân chứng quay lại cho thấy cảnh sát đụng độ với người biểu tình khiến hàng chục người – trong đó có cả nhân viên công vụ - bị thương. Nhiều người sau đó được chuyển tới bệnh viện.
Sở cứu hỏa Seongju xác nhận ít nhất 38 người đã bị thương, trong đó 21 người cần điều trị y tế nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.
Hàng chục người biểu tình đã bị thương sau cuộc đụng độ với cảnh sát. Ảnh: YONHAP
Khoảng 8.000 cảnh sát được huy động để ngăn chặn người biểu tình. Ảnh: TWITTER, REUTERS
Nhà chức trách cũng bắt giữ 4 người cố gắng vượt qua hàng rào để tới khu vực lắp đặt bệ phóng tên lửa, nằm gần Seongju, cách Seoul khoảng 217 km về phía Nam. Họ đang bị tạm giữ tại đồn cảnh sát để thẩm vấn.
Ít nhất 8.000 nhân viên an ninh được huy động để lập lại trật tự ở ngôi làng Soseong-ri, dọc con đường duy nhất dẫn đến địa điểm lắp đặt THAAD.
Trước đó 1 ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo sẽ lắp đặt thêm 4 bệ phóng THAAD sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6, được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay.
Mỹ và Hàn Quốc muốn đẩy mạnh việc triển khai THAAD để bảo vệ Seoul cũng như lực lượng Mỹ đóng tại đây. THAAD có khả năng bắn hạ tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Bốn bệ phóng THAAD được bổ sung rạng sáng 7-9. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cư dân địa phương cùng các nhà hoạt động chính trị Hàn Quốc lo ngại hệ thống THAAD của Mỹ sẽ làm leo thang cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời biến khu vực lắp đặt hệ thống phòng không này trở thành mục tiêu bị tấn công đầu tiên nếu xảy ra chiến tranh.
Sau vụ Triều Tiên thử bom H gần đây, Mỹ đề nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bao gồm cấm vận dầu mỏ, cấm xuất khẩu hàng dệt may cũng như thuê người lao động của nước này.
Đề xuất được ghi trong một dự thảo nghị quyết của LHQ, theo Reuters hôm 6-9.
Bình luận (0)