Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ban đầu được Mỹ dự kiến triển khai tại thị trấn Seongju hồi tháng 3, bao gồm 2 bệ phóng với tải trọng tối đa nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Trước khi nhậm chức vào ngày 10-5, ông Moon đánh tiếng Hàn Quốc nên xem xét lại hệ thống phòng thủ này – vốn làm cho Trung Quốc (một trong những đồng minh của Triều Tiên) – tức giận.
Trong cuộc họp báo hôm 30-5, phát ngôn viên của ông Moon, Yoon Young-chan, cho hay: "Tổng thống Moon nói rằng ông cảm thấy ‘sốc’ khi nghe tin 4 bệ phóng được lắp đặt thêm mà chính phủ và người dân không hề hay biết".
Cả quân đội Mỹ lẫn Hàn Quốc đều không bình luận về tuyên bố của ông Moon.
Hệ thống THAAD được Mỹ triển khai tại thị trấn Seongju. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang làm việc với nội các gồm các thành viên do cựu Tổng thống Park Geun-hye bổ nhiệm. Bà Park bị tòa án phế truất hồi tháng 3 vì dính líu tới một bê bối tham nhũng lớn.
Bản thân ông Moon đã chỉ định các thành viên nội các mới nhưng họ chưa nhậm chức chính thức. Sau khi thắng cử vào ngày 9-5, ông Moon cũng tuyên thệ nhậm chức mà không trải qua giai đoạn chuyển tiếp thông thường - kéo dài khoảng 2 tháng.
Theo hãng tin AP, một hệ thống THAAD đầy đủ có 6 bệ phóng (bắn được cùng lúc 48 tên lửa đánh chặn), thiết bị kiểm soát hỏa hoạn, thiết bị liên lạc và radar AN/TPY-2.
Các nhà phân tích nói rằng không rõ ông Moon có yêu cầu thu hồi 4 bệ phóng THAAD mới triển khai hay không bởi quyết định này có thể làm suy yếu nghiêm trọng mối quan hệ với Washington - đồng minh quan trọng nhất của Seoul. Mỹ hiện đồn trú khoảng 28.500 quân tại Hàn Quốc để ngăn chặn một cuộc xâm lược tiềm tàng từ Triều Tiên.
Kể từ lễ nhậm chức của ông Moon, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử tên lửa đạn đạo trong một động thái "phản ứng mối đe dọa quân sự của Mỹ". Tổng thống Moon cam kết ông sẽ áp dụng cả hai biện pháp đối thoại và gây áp lực để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bình luận (0)