Hàng cứu trợ nước ngoài hôm 17-6 bắt đầu đến với hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột sắc tộc ở Kyrgyzstan. Theo hãng tin AFP, hai máy bay chở hàng trăm nhà lều do Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tị nạn cung cấp đã đến Uzbekistan và thêm 4 máy bay nữa đến nước này vào cuối tuần.
Ngoài ra, hai máy bay chở hàng cứu trợ của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã lần lượt đến miền Nam Kyrgyzstan và miền Đông Uzbekistan.
Dù vậy, số lượng hàng cứu trợ nói trên không thấm vào đâu so với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra. Uzbekistan cho biết đã tiếp nhận hơn 75.000 người tị nạn từ nước láng giềng Kyrgyzstan. Ngoài ra, các cơ quan cứu trợ nói khoảng 200.000 người đã rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú thân đâu đó ngay bên trong Kyrgyzstan.
Một trại tị nạn của những người thuộc tộc Uzbek tại Uzbekistan. Ảnh: AP
Theo ICRC, sự thiếu an ninh, nỗi sợ hãi, tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nước, thuốc và nơi trú ngụ đang đè nặng lên những nỗ lực giúp đỡ người tị nạn ở cả Kyrgyzstan và Uzbekistan. Severine Chappaz, một đại diện của ICRC ở Kyrgyzstan, đánh giá: “Đây là một cuộc khủng hoảng lớn”.
Trước tình hình này, ông Robert Blake, nhà ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực, đã đến Uzbekistan hôm 17-6 trước khi thăm Kyrgyzstan trong 2 ngày sau đó. Washington đã nâng số tiền cam kết cứu trợ nhân đạo cho Kyrgyzstan lên 6,5 triệu USD, đồng thời hy vọng LHQ sẽ phát lời kêu gọi cứu trợ nước này.
Trong khi đó, theo hãng tin DPA, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phái một đại diện đặc biệt đến khu vực để điều phối hoạt động cứu trợ của một số cơ quan LHQ. Riêng Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi tất cả các nước láng giềng của Kyrgyzstan - Uzbekistan, Tajikistan, Kazakhstan và Trung Quốc – mở cửa biên giới để đón nhận người tị nạn.
Ít nhất 1.800 người chết vì xung đột sắc tộc?
Thống kê mới nhất của chính phủ lâm thời Kyrgyzstan cho biết các cuộc xung đột sắc tộc đã làm ít nhất 191 người chết và gần 2.000 người bị thương. Tuy nhiên, hãng tin Ria Novosti (Nga) hôm 17-6 dẫn một nguồn tin mật vụ cho biết số người chết thật sự lên đến 1.800 người, cao gần gấp 10 lần so với con số chính thức.
Nguồn tin này cho biết sự khác biệt lớn nói trên có thể được giải thích bằng những “lý do khách quan”, như tập quán chôn cất của địa phương, công việc báo cáo thương vong không thể thực hiện được ở những vùng xảy ra bạo loạn... |
Bình luận (0)