Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), tiền công trung bình theo giờ hồi năm ngoái của công nhân Trung Quốc là 3,6 USD, tăng 64% từ năm 2011. Mức tiền đó cao hơn 5 lần so với tiền công trả cho lao động Ấn Độ và bằng một số nước như Bồ Đào Nha, Nam Phi.
Khung cảnh hiu hắt từ những tòa nhà trống rỗng giữa lòng thành phố Ảnh: KAI CAEMMERER
Kênh CNBC nhận định lương tăng sẽ khiến các công ty có dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc sang nước khác, khiến công nhân nước này vuột mất việc làm vào tay lao động ở các quốc gia đang phát triển như Sri Lanka, nơi mà tiền công chỉ 0,5 USD/giờ.
Theo chuyên gia Ben Cavender thuộc Tổ chức Nghiên cứu thị trường Trung Quốc ở TP Thượng Hải, ngành may mặc nước này đang “cực kỳ khó khăn”. Để bù đắp chi phí lao động, nhiều công ty đang đầu tư vào robot, theo lời một số chuyên gia chiến lược của Tập đoàn Tài chính Jefferies (Mỹ).
Việc làm ít đi mà robot tăng lên nhiều khả năng làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp ở Trung Quốc, nhất là khi chính phủ tìm cách chuyển đổi nền kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ. Đã vậy, do tốc độ phát triển đã vượt nhu cầu, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với giảm giá và sụt giảm doanh số bán hàng. Chính phủ Trung Quốc buộc phải cắt giảm một số ngành công nghiệp.
Tại các khu vực như tỉnh Hà Bắc, dễ dàng nhận thấy tình cảnh khó khăn. Từ một khu vực phát triển mạnh, được coi là vành đai thép của Trung Quốc, nay Hà Bắc chứng kiến nhiều nhà máy thuộc sở hữu nhà nước bị đóng cửa, còn các nhà máy tư nhân vật lộn để tồn tại. Số phận tương tự cũng xảy ra với nhóm ngành kỹ thuật thấp khác - như khai khoáng, sản xuất thép và xi-măng..., tạo ra một loạt “nhà máy xác sống” trên khắp Trung Quốc. Góp phần gây ra thực trạng này còn có sự nở rộ của các ngành điện tử, viễn thông và công nghệ sinh học.
Các nhà máy hấp hối kéo theo sự đìu hiu của các khu đô thị được xây dựng để đón đầu làn sóng công nhân nhập cư. Đài BBC dẫn nghiên cứu của công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu cho thấy 50 vùng rộng lớn như vậy giờ đây bỏ trống trong khi nhiều công ty xây dựng phá sản. Lấy ví dụ, quận Kangbashi thuộc TP Ordos ở khu tự trị Nội Mông được xây dựng vào năm 2006 để hỗ trợ ngành công nghiệp than đang phất như diều gặp gió khi đó. Kangbashi có thể chứa 300.000 người nhưng tới giờ chỉ có 10% nhà ở được sử dụng.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ Kai Caemmerer, người chụp các “đô thị ma” của Trung Quốc suốt 2 năm qua, lại nghĩ gọi chúng là “thành phố chưa ra đời” sẽ chính xác hơn. Theo ông, nhiều nơi tại Trung Quốc được xây dựng rầm rộ trong khi nhu cầu chưa có thực.
Dù vậy, những đô thị này có thể sống dậy dựa theo quy hoạch đô thị hóa của chính phủ, đến năm 2020 sẽ có 100 triệu dân nông thôn chính thức trở thành dân thành thị. Số lượng người này có thể lấp đầy một số thành phố “ma”.
Bình luận (0)