Tổ chức Phụ nữ Karen (KWO) cho hay quân đội Myanmar đã tiến hành cuộc không kích vào 5 khu vực ở huyện Mutraw thuộc Karen, gần biên giới giáp với Thái Lan, trong đó có một trại tị nạn.
KWO cho biết: "Lúc này, nhiều dân làng ẩn náu trong rừng trong khi hơn 3.000 người chạy sang Thái Lan lánh nạn". Đài PBS của Thái Lan cũng đưa tin có khoảng 3.000 người từ Myanmar đã vượt biên sang Thái Lan.
Các nhà chức trách Thái Lan chưa bình luận về vụ việc nói trên.
Cư dân từ làng Day Pu No ẩn náu trong rừng ở bang Karen -Myanmar sau khi khu vực này bị không kích hôm 27-3. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, ông David Eubank, người sáng lập Tổ chức cứu trợ Free Burma Rangers, cho biết ít nhất 2 thành viên thuộc Liên minh Quốc gia Karen (KNU) đã thiệt mạng.
Một nhóm xã hội cho hay trong một cuộc không kích của quân đội hôm 27-3, ít nhất 3 dân thường đã thiệt mạng tại một ngôi làng do KNU kiểm soát. Trước đó, KNU đã tấn công một căn cứ của quân đội Myanmar gần biên giới làm chết 10 người.
Các cuộc không kích của quân đội hôm 27-3 bị cho là cuộc tấn công đáng kể nhất trong nhiều năm tại khu vực này. KNU đã ký một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2015 nhưng căng thẳng leo thang trở lại sau khi quân đội lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1-2.
KNU cho biết họ đã hỗ trợ cho hàng trăm người chạy khỏi miền Trung Myanmar trong bối cảnh bạo lực gia tăng trong những tuần gần đây.
Phản ứng trước tình hình tại Myanmar, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng "nhiều người đã bị giết một cách vô nghĩa" sau khi lực lượng an ninh Myanmar bị cáo buộc giết hơn 100 người, trong đó có ít nhất 7 trẻ em hôm 27-3.
Liên minh châu Âu (EU) cũng gọi tình trạng bạo lực ở Myanmar hôm 27-3 là "không thể chấp nhận". Bộ trưởng Quốc phòng của 12 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản và Úc, đã ra tuyên bố chung lên án bạo lực ở Myanmar.
Theo một nhóm giám sát địa phương, số người chết trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình sau đảo chính đã tăng lên ít nhất 423 người.
Bình luận (0)