Bà Alexievich sinh ngày 31-5-1948 tại thị trấn Ivano-Frankovsk của Ukraine. Cha của bà là người Belarus, còn mẹ bà là người Ukraine.
Sau khi cha bà xuất ngũ, trở về quê hương Belarus, cha mẹ bà làm nghề dạy học. Bà làm phóng viên cho một tờ báo tại thị trấn Narovl. Bà viết truyện ngắn, tiểu luận, phóng sự và chịu ảnh hưởng của nhà văn Ales Adamovich, mà chính ông này gọi tác phẩm của mình là “tiểu thuyết bằng chứng”, “con người kể chuyện chính mình”.
Nhà văn Svetlana Alexievich. Ảnh: DW
Những tác phẩm của bà Alexievich rất được giới phê bình phương Tây ưa thích khi tập trung vào cuộc sống tại Belarus trước và sau khi Liên Xô sụp đổ. Bà là tác giả được giới mê sách ca ngợi vì những tác phẩm mang tính tư liệu hình thành từ chất liệu có được trong các cuộc phỏng vấn của bà. Trong đó có những cuốn nổi tiếng như War’s Unwomanly Face (Gương mặt không hợp với phụ nữ của chiến tranh) và Zinky Boys (Những cậu bé Zinky).
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Alexievich chia sẻ: “Tôi vẫn tìm kiếm một phương pháp biểu đạt sao có thể mô tả cuộc sống thực nhất. Cuộc đời thực lúc nào cũng cuốn hút tôi như thanh nam châm. Nó ám ảnh, thôi miên và tôi muốn phô bày tất thảy trên trang viết”.
Với kết quả trên, nhà văn người Nhật Haruki Murakami một lần nữa lại tuột mất giải Nobel Văn chương.
Dù vậy, việc giải thuởng danh giá này được trao cho bà Svetlana Alexievich năm nay không gây nhiều ngạc nhiên, ít ra là đối với các nhà cái. Nhà văn nữ người Belarus là ứng viên sáng giá nhất theo nhận định nhà cái Ladbrokes (Anh), theo sau là các tác giả Murakami và Ngugi wa Thiong’o (người Kenya).
Nhìn lại lịch sử giải Nobel Văn chương, trong số 107 giải đã được trao thì chỉ mới có 13 giải thưởng thuộc về các nhà văn nữ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đã có nhiều cây bút nữ được trao giải hơn. Ngay việc Viện Hàn lâm Thụy Điển lựa chọn bà Sara Danius làm nữ thư ký vĩnh viễn cho thấy có thể viện này quan tâm hơn tới vấn đề cân bằng giới.
Có lẽ vì thế mà trước khi giải thưởng năm nay được công bố, nhiều người nghiêng cán cân về phía các nhà văn nữ như Margaret Atwood (Canada) hay nhà hoạt động vì bình quyền nữ giới Nawal El Saadawi (Ai Cập). Bà Maria Schottenius, nhà phê bình văn học của nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter đặt cược vào các cây bút nữ tài năng Marie Darrieussecq (Pháp) và Marilynne Robinson (Mỹ).
Bình luận (0)