Một báo cáo được đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 25-10 cho biết ô nhiễm không khí do việc đốt than, dầu, khí… trên thế giới khiến 1,2 triệu người thiệt mạng mỗi năm. Bà Renee Salas, đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là chuyên gia tại Trường Y tế công Harvard (Mỹ), cho biết con số này được dựa trên "nhiều bằng chứng khoa học".
Trong khi đó, bà Marina Romanello, một thành viên của nhóm nghiên cứu và hiện là chuyên gia tại Trường ĐH London (Anh), lo ngại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không chỉ làm tăng tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người mà còn góp phần làm nghiêm trọng thêm những khủng hoảng khác như đại dịch COVID-19, giá cả sinh hoạt, năng lượng và lương thực.
Phân tích của báo cáo cho thấy số trường hợp đói nghèo được ghi nhận trên thế giới vào năm 2020 tăng thêm 98 triệu so với giai đoạn 1981 - 2010 trong bối cảnh số ngày nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gia tăng về tần suất và cường độ.
Theo bà Romanello, các nhà nghiên cứu đã phân tích 103 quốc gia và phát hiện 26,4% dân số các nước này đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực. Theo tính toán, tỉ lệ này sẽ giảm còn 22,7% nếu thế giới không chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Báo cáo cho biết số trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng đã tăng từ 187.000 trong giai đoạn 2000 - 2004 lên mức trung bình 312.000 người/năm trong 5 năm vừa qua. Chuyên gia về sức khỏe môi trường Natasha DeJarnett tại Trường ĐH Louisville (Mỹ), một đồng tác giả cuộc nghiên cứu, nhận định cả ô nhiễm không khí và tử vong do nắng nóng đều là những vấn đề lớn đối với người cao tuổi, trẻ em và nhất là người nghèo.
Một khu lều trại dành cho những người đi sơ tán để tránh lũ lụt ở TP Sehwan - Pakistan hôm 30-9 Ảnh: REUTERS
Hậu quả của nắng nóng cũng được đề cập trong báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 25-10. Cụ thể, báo cáo này cho rằng hơn 2 tỉ trẻ em sẽ tiếp xúc với các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên, kéo dài và khắc nghiệt hơn vào năm 2050, đồng thời gọi biến đổi khí hậu là "cuộc khủng hoảng quyền trẻ em".
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu gây thiệt hại nặng nề đối với cuộc sống và tương lai của trẻ em. Theo bà Russell, cháy rừng và nắng nóng khắc nghiệt ở Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ là ví dụ rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.
Cô Vanessa Nakate, Đại sứ thiện chí của UNICEF, lập luận trẻ em chịu trách nhiệm ít nhất đối với biến đổi khí hậu nhưng lại đang phải gánh chịu tổn hại lớn nhất. Theo cô Nakate, trẻ em càng tiếp xúc nhiều với các đợt nắng nóng thường xuyên, kéo dài và khắc nghiệt hơn thì tác động tiêu cực đối với sức khỏe, an toàn, dinh dưỡng, giáo dục, khả năng tiếp cận nước và sinh kế trong tương lai của các em càng lớn.
Ông Sacoby Wilson, chuyên gia về sức khỏe môi trường tại Trường ĐH Maryland (Mỹ), nhận định nghiên cứu mới nói trên nêu bật tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người.
Đề cập những gì đã và đang xảy ra ở Pakistan và Nigeria, ông Wilson nhấn mạnh hạn hán, sa mạc hóa, thiếu thức ăn, lũ lụt, sóng thần đang xảy ra, cướp đi sinh mạng nhiều người. Một số chuyên gia khác chỉ ra thực tế rằng nỗ lực "cai nghiện" nhiên liệu hóa thạch hiện vẫn chưa hiệu quả và lãnh đạo các nước trên thế giới cần có sức mạnh ý chí để biến điều này thành hiện thực.
Châu Âu mạnh tay giải quyết ô nhiễm
Liên minh châu Âu (EU) ngày 26-10 đề xuất các biện pháp mới trong nỗ lực giảm tình trạng ô nhiễm nước và không khí. Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius nhấn mạnh ô nhiễm không khí hiện là "mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người", đặc biệt là với các nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, người lớn tuổi...
Theo trang Bloomberg, các biện pháp được Ủy ban châu Âu đề xuất gồm nỗ lực cải cách quy định xử lý ô nhiễm không khí với mục tiêu đưa EU đến gần hơn với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). "Chúng tôi muốn không khí không còn ô nhiễm, muộn nhất là vào năm 2050. Không khí trong lành không thể là một thứ xa xỉ ở châu Âu" - Ủy viên Sinkevicius khẳng định.
WHO đã thắt chặt chỉ dẫn về chất lượng không khí vào năm ngoái nhằm khuyến khích các nước phát triển năng lượng sạch và ngăn ngừa tử vong do ô nhiễm không khí gây ra. Theo Reuters, không khí bẩn mỗi năm khiến 300.000 người tử vong trước tuổi 75 ở châu Âu.
Ông Sinkevicius tin rằng quy định mới của EU có thể làm giảm 70% số ca tử vong như vậy trong 10 năm tới. Trong khuôn khổ các đề xuất sẽ được các nước EU và Nghị viện châu Âu thương thảo, người dân châu Âu có thể yêu cầu bồi thường nếu sức khỏe của họ bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí bất hợp pháp.
Trong khi đó, các công ty sẽ phải thanh toán một phần chi phí giải quyết ô nhiễm do nước thải đến từ sản phẩm của họ gây ra trên khắp EU, một động thái được cho là nhắm đến ngành công nghiệp dược và mỹ phẩm.
Nỗ lực gia tăng của EU nhằm giải quyết ô nhiễm nước và không khí được thực hiện song song với kế hoạch của khối để đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch này gồm những bước đi như loại bỏ dần ôtô động cơ đốt trong vào năm 2035 và đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo.
Cao Lực
Bình luận (0)