Tại các phiên điều trần vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc ở biển Đông, Bắc Kinh từ chối tham gia với lý do đây là vụ kiện “trái pháp luật”.
Tưởng đâu đây là lợi thế song luật sư người Mỹ Paul Reichler – cố vấn pháp lý cho phái đoàn Manila – lại cho rằng điều này khiến vụ kiện trở nên khó khăn hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo The Los Angeles Times hôm 12-7 sau khi PCA ra phán quyết bác bỏ tính pháp lý của “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông, ông Reichler cho biết: “Sự vắng mặt của phía Trung Quốc biến tòa án, về cơ bản, thành luật sư cho họ. Các thẩm phán phải cố gắng phát triển các bằng chứng mà Trung Quốc dự kiến trình bày”.
5 thẩm phán xem xét vụ kiện vừa qua bao gồm các ông Thomas Mensah (người Ghana), Jean-Pierre Cot (Pháp), Stanislaw Pawlak (Ba Lan), Alfred Soons (Hà Lan) và Rüdiger Wolfrum (Đức). Tất cả, ông Reichler nói, đều là những chuyên gia về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả Philippines và Trung Quốc đều ký kết.
Cũng theo ông Reichler, Bắc Kinh không hoàn toàn tẩy chay các thủ tục tố tụng. Hồi tháng 12-2014, họ nộp một tuyên bố lập trường ngắn, trong đó đặt câu hỏi liệu tòa án có thẩm quyền xét xử vụ này hay không. "Họ nêu ra khoảng 4-5 luận điểm, tất cả đều rất chặt chẽ" - luật sư hàng đầu mô tả.
Nhưng ê kíp của ông Reichler không được trả lời những luận điểm này một cách đơn giản bởi trên cơ sở chúng, các thẩm phán đã mở rộng vấn đề, phát triển thành những tranh luận mà họ nghĩ phía Trung Quốc có thể đưa ra nếu họ có mặt. “Tôi nghĩ chúng tôi đang đấu với những luật sư giỏi nhất thế giới” – ông Reichler nhớ lại.
Sau khi PCA khẳng định có thẩm quyền để xử lý vụ kiện vào cuối tháng 10-2015, các phiên điều trần thực sự bắt đầu. Thông thường, hai bên sẽ tranh luận trực tiếp tại tòa. Nhưng trong tình huống này, PCA tiếp nhận thêm văn bản bổ sung sau khi phía Philippines kết thúc phần tranh luận.
Hầu hết những văn kiện và bằng chứng được nộp bổ sung tới từ Đài Loan, nơi đang kiểm soát đảo Ba Bình lớn nhất quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Dù bất hòa với Trung Quốc nhưng ông Reichler cho biết Đài Loan “cùng phe” với đại lục trong vụ kiện. Đài Loan đòi chủ quyền Ba Bình, kèm theo đó là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thông qua lập luận đây là hòn đảo tự nhiên có thể duy trì sự sống của con người.
Tuy nhiên, PCA phán quyết Ba Bình tự bản thân nó không thể duy trì sự sống con người nếu không có sự can thiệp của Đài Loan. Vì vậy, nó chỉ được xem là bãi đá với vùng hàng hải 12 hải lý.
Cũng như Trung Quốc, Đài Loan đã chỉ trích phán quyết PCA và tuyên bố nó không có giá trị thi hành. Ông Reichler cho rằng không thể loại trừ khả năng Đài Loan và Trung Quốc phối hợp trong vụ kiện nhưng chưa có bằng chứng cụ thể.
Báo chí Trung Quốc còn cáo buộc vụ kiện của Philippines là "một phần âm mưu của phương Tây", mà điển hình nhất là Mỹ. Ông Reichler, một luật sư người Mỹ, bác bỏ lập luận cho rằng ông tham gia vụ kiện theo sự sắp đặt của chính phủ Mỹ.
"Phía Mỹ cũng ngạc nhiên khi Philippines nộp đơn kiện. Họ không hề hay biết trước" - vị luật sư từng giúp Nicaragua thắng một vụ kiện với Mỹ trong những năm 1980, nhấn mạnh.
Bình luận (0)