Báo The Wall Street Journal đưa ra nhận định trên sau khi PCA ra phán quyết hôm 12-7, trong đó quan trọng nhất là bác bỏ tính pháp lý của "đường lưỡi bò" - vốn ôm gần hết biển Đông,
Phán quyết này có thể làm thay đổi cục diện giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Dù vậy, Mỹ và các đồng minh – đặc biệt là Philippines – sẽ gặp không ít rào cản sau vụ kiện khi phải tìm cách sử dụng phán quyết để kiềm chế Trung Quốc nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi kinh tế và tránh đối đầu về quân sự.
Sức ép quốc tế
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết phán quyết của PCA sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán trong khu vực.
“Đó là hy vọng của chúng tôi và chúng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ các nghĩa vụ theo phán quyết này” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói. “Thế giới đang chờ đợi xem liệu Trung Quốc có phải là một cường quốc có trách nhiệm như nước này tuyên bố hay không”.
Bước đầu, Bắc Kinh đã có những động thái phản đối, tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài. Hãng tin Tân Hoa Xã tố ngược đây là một chiêu bài của phương Tây nhằm “chấm dứt sự phát triển của Trung Quốc”. Hãng tin này lặp lại khẳng định trước đó của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng “Trung Quốc không gây rắc rối nhưng cũng không sợ gặp rắc rối”.
Trong những tuần và tháng tới, The Wall Street Journal cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục luận điệu công kích PCA, Mỹ, Philippines để xoa dịu công chúng. Tuy nhiên, về lâu dài, họ có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện tụng mới và trở thành kẻ đứng ngoài luật pháp quốc tế nếu phớt lờ phán quyết.
Bắc Kinh có thể chống lại áp lực trên bằng việc tranh thủ sự ủng hộ của hàng chục nước đang phát triển – chủ yếu là các nước bé - từng nói ủng hộ quan điểm của nước này trong vụ kiện tòa trọng tài. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc cũng có thể sử dụng quyền phủ quyết để phản đối bất kỳ quyết định nào gây bất lợi cho mình. Nhưng tất cả phản ứng như vậy chỉ dẫn đến kết quả là sức ép quốc tế ngày một gia tăng.
Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán (Thượng Hải) Shen Dingli nhận định Bắc Kinh đang rơi vào giữa hai thái cực: “Coi thường phán quyết sẽ dễ dẫn đến các cuộc đụng độ và làm gia tăng áp lực ngoại giao nhưng hoàn toàn tuân thủ phán quyết về cơ bản là không thể”.
Ngỏ ý đàm phán
Trung Quốc có nhiều cách phản ứng tiềm năng, từ rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough Shoal và lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông.
Tuy nhiên, theo đài BBC, Bắc Kinh dường như đang tìm cách thương lượng hơn là gây hấn quân sự. Cụ thể, Trung Quốc đã nói về "tham vấn với các bên liên quan trực tiếp" và đề xuất kế hoạch "phát triển chung trong các khu vực hàng hải liên quan".
Truyền thông Trung Quốc cũng dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng Bắc Kinh có thể "cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngồi xuống giải quyết tranh chấp bằng đàm phán trực tiếp". “Trò hề này chấm dứt. Giờ là lúc chúng ta quay trở lại con đường bình thường” – ông Vương nói.
Thái độ của ông Duterte cũng rất đáng quan tâm. Đây là phép thử đối thoại quan trọng đầu tiên của ông Duterte, người từng tỏ ý muốn đàm phán với Bắc Kinh sau phán quyết.
“Dư luận phản đối Trung Quốc về vấn đề biển Đông tại Philippines rất mạnh mẽ. Tổng thống không thể đi ngược lại. Người Philippines vẫn muốn duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ dù mở cửa với Trung Quốc" - nhà phân tích chính trị Ramon Casiple ở Manila nói.
Bình luận (0)