Trung tâm nghiên cứu của Đức vốn phát triển hệ thống cảnh báo đang được sử dụng ở Indonesia hôm 1-10 đã cho biết thông tin trên.
Binh sĩ cõng cụ già đi sơ tán ở Palu. Ảnh: Reuters
Đã nổi lên nhiều câu hỏi tại sao hệ thống cảnh báo không hoạt động sau vụ động đất cường độ 7,5 độ Richter ở Indonesia hôm 28-9. Số người thiệt mạng được xác nhận từ thảm họa kép này cho tới nay đã lên tới hơn 1.200 người và dự kiến còn tăng cao hơn nữa.
"Vấn đề nằm ở khâu liên lạc giữa giới chức trách địa phương với người dân, chẳng hạn như những người trên bãi biển ở Sulawesi"- ông Joern Lauterjung, Giám đốc dịch vụ địa chất tại Trung tâm nghiên cứu về địa chất Đức (GFZ), nói với Reuters.
Đức đã cung cấp một hệ thống cảnh báo do GFZ phát triển tới Indonesia sau thảm họa sóng thần tàn khốc cướp đi sinh mạng của 226.000 người năm 2004.
Theo lời ông Lauterjung, hệ thống này đã hoạt động và dự đoán sóng thần cao tới 3 m khi trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sulawesi hôm 28-9.
"Nếu nhìn vào toàn bộ chuỗi cảnh báo từ tạo ra tín hiệu cảnh báo tới chặng cuối cùng – như cách gọi của chúng tôi, tới những cư dân địa phương bị đe dọa, lộ ra một vấn đề ở đây"- ông Lauterjung nói.
"Chẳng hạn, có vẻ như còi báo động đã không hoạt động và không có cảnh báo qua loa phóng thanh từ cảnh sát tới người dân địa phương"- vị chuyên gia cho biết thêm.
Tìm kiếm các nạn nhân tại ngôi nhà đổ nát ở Petobo, Nam Palu. Ảnh: Reuters
Trước đó, khi đối mặt với làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Indonesia cho rằng cơ quan chức năng Indonesia đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần quá sớm, Cơ quan địa vật lý Indonesia (BMKG) khẳng định đã tuân thủ đúng các quy định và dỡ bỏ cảnh sóng thần dựa trên các dữ liệu thu được từ cảm biến thủy triều gần nhất, nằm cách Palu khoảng 200km.
"Chúng tôi không có các dữ liệu quan sát tại Palu. Vì vậy, chúng tôi phải sử dụng dữ liệu sẵn có và dỡ bỏ cảnh báo dựa trên nó"- ông Rahmat Triyono, người đứng đầu Trung tâm sóng thần và động đất thuộc BMKG, cho biết.
Cũng theo lời vị quan chức này, thiết bị theo dõi thủy triều gần nhất, chuyên đo những thay đổi trong mực nước biển, chỉ đo được sóng cao 6 cm và không phát hiện những con sóng lớn gần Palu.
"Nếu chúng tôi có thiết bị đo thủy triều hoặc dữ liệu phù hợp tại Palu thì chắc chắn mọi chuyện khác rồi. Đây là điều chúng tôi phải tính tới cho tương lai"- ông Triyono nói.
34 học sinh thiệt mạng trong nhà thờ
Người phát ngôn Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia – Aulia Arriani hôm 2-10 cho biết lực lượng cứu hộ vừa tìm thấy thi thể của 34 học sinh thiệt mạng khi nhà thờ nơi họ đang theo học hứng chịu một trận lở đất
Trước đó, 86 học sinh được xác định đã mất tích từ một trường dòng thuộc Trung tâm Đào tạo Giáo hội Jonooge (quận Sigi Biromaru, đảo Sulawesi) sau thảm họa kinh hoàng ngày 28-9.
Sigi Biromaru nằm ở phía Đông Nam thành phố biển Palu, và một trong những khu vực xa xôi, khó tiếp cận nhất đối với lực lượng cứu hộ.
Bình luận (0)