Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ (MDA) ngày 25-3 cho biết 2 thiết bị đánh chặn trên mặt đất đã được sử dụng trong lần thử này. Một thiết bị dùng để phá hủy tên lửa đạn đạo, có khả năng quay trở về sau khi tấn công mục tiêu; thiết bị thứ hai nhắm vào các mảnh vỡ cũng như những vật thể còn lại rồi xác định đâu là "đối tượng gây nguy hiểm nhất" để bắn hạ.
Theo MDA, mục tiêu được phóng đi từ một địa điểm thử nghiệm tại quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, cách Căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California - Mỹ, nơi các thiết bị đánh chặn được triển khai, khoảng 6.400 km.
Người dân và nhiều phóng viên theo dõi vụ thử nghiệm của Mỹ hôm 25-3. Ảnh: Reuters
Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ Sam Greaves xem vụ thử là một cột mốc quan trọng. Ông Greaves cho rằng hệ thống phòng thủ được thử nghiệm vô cùng quan trọng đối với việc bảo vệ đất nước và cuộc thử nghiệm này chứng minh rằng Mỹ có khả năng phòng thủ đáng tin cậy chống lại mọi mối đe dọa.
Triều Tiên hồi năm 2017 đã thử nghiệm ICBM có thể nhắm đến lãnh thổ Mỹ. Vào tháng 1-2019, Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ, xem Triều Tiên là một mối đe dọa tiếp diễn và đặc biệt, dù 7 tháng trước đó ông tuyên bố mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã bị loại bỏ.
Cuộc thử nghiệm hôm 25-3 là cuộc thử nghiệm phòng thủ tên lửa đầu tiên kể từ lần thử thành công vào tháng 5-2017.
Lầu Năm Góc đang đề xuất ngân sách 9,4 tỉ USD trong tài khóa 2020 cho các chương trình của cơ quan này, bao gồm 1,4 tỉ USD cho các thiết bị trên mặt đất - cao hơn so với mức 9,36 tỉ USD được dự kiến trước đó.
Bình luận (0)