Tại quốc gia công nghệ cao này, chuyện người lao động được giao nhiệm vụ và chia sẻ thông tin liên quan đến công việc thông qua các ứng dụng tin nhắn, nhất là Kakao Talk, đang dần phổ biến. Tuy nhiên, những công cụ này thường gây thêm áp lực cho người lao động sau giờ làm việc.
Trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng công việc và stress đè lên vai công chức địa phương, Hội đồng TP Seoul đề xuất bảo đảm sự riêng tư của họ trước cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội và công cụ truyền thông khác sau giờ làm việc. Ông Kim Kwang-soo, thành viên Đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) đối lập, cho rằng các quyền cơ bản của người lao động cần được bảo vệ theo hiến pháp. “Tất nhiên, nhân viên Chính quyền đô thị Seoul (SMG) phải luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân nhưng nhiều người đang làm việc trong tình trạng bị xâm phạm quyền nghỉ ngơi” - ông Kim nhấn mạnh.
Theo tờ Korea Times (Hàn Quốc), các nhân viên SMG cấp thấp tỏ ra hoan nghênh bước đi trên. Theo một cuộc khảo sát hồi tháng rồi, các công chức ở Seoul đánh giá chuyện nhận yêu cầu công việc từ Kakao Talk sau giờ làm là một trong những rắc rối hàng đầu liên quan đến công việc. Một nhân viên văn phòng giấu tên thậm chí cho rằng cần có quy định tương tự đối với lĩnh vực tư nhân. “Khi ứng dụng KakaoTalk ra mắt, tôi rất thích bởi nó có thể sử dụng để trò chuyện với bạn bè. Nhưng sau đó, sếp tôi cũng dùng ứng dụng để giao việc và kiểm tra tiến độ, tôi trở nên chán ghét nó” - nhân viên này than thở.
Một báo cáo gần đây của Viện Lao động và Xã hội Hàn Quốc cho biết người lao động buộc phải làm thêm 11 giờ/tuần trên các thiết bị điện tử. Báo cáo này nhận định tình trạng người lao động phải làm việc vào cuối tuần hoặc sau giờ làm mà không được trả thêm lương đang trở nên phổ biến. Vì thế, không có gì khó hiểu khi vấn đề này thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp.
Hồi tháng 6, nghị sĩ Shin Kyung-min của Đảng Minjoo đối lập đã đề xuất chỉnh sửa luật để cấm giao việc qua tin nhắn và các kênh truyền thông khác. Nghị sĩ Shin cho rằng bước đi này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và sự riêng tư của người lao động. Một số nước khác, như Pháp và Đức, đã đề xuất cấm công ty gửi email cho nhân viên sau giờ làm.15 thành viên Hội đồng TP Seoul - Hàn Quốc vừa đề xuất sửa đổi quy định nhằm cấm gửi tin nhắn liên quan đến công việc cho nhân viên sau giờ làm.
Bình luận (0)