Một ví dụ được báo Mỹ The Washington Post nêu ra là anh Kiyotaka Serizawa, 34 tuổi, làm giám sát tại một công ty chuyên bảo trì các tòa nhà ở thủ đô Tokyo.
Kiyotaka chết vào năm ngoái sau khi làm liên tục hơn 90 giờ mỗi tuần và từng nộp đơn từ chức nhưng bị từ chối. Thỉnh thoảng, anh ghé qua nhà cha mẹ ngủ lấy sức khi di chuyển giữa các công trình. Mẹ của Kiyotaka kể: “Nó nằm trên ghế và ngủ mê mệt, đến mức lâu lâu tôi phải tới kiểm tra để chắc rằng tim nó còn đập”.
Ngày 26-7-2015, Kiyotaka mất tích và 3 tuần sau, người ta phát hiện xác anh trong xe ở tỉnh Nagano, không xa nơi anh cắm trại cùng gia đình lúc nhỏ. Anh đốt than trong xe và chết vì ngộ độc khí carbon monoxide.
Ở Nhật, hiện tượng này được gọi là “karoshi” - tức những cái chết vì bệnh tim mạch hay tự sát do áp lực công việc. Người dân Nhật Bản xa lạ với khái niệm “cân bằng giữa công việc và đời sống”. Thay vào đó, họ quen thuộc với cụm từ “làm việc tới chết” hơn.
Bắt đầu từ những năm 1970, người lao động Nhật Bản tìm mọi cách làm thêm giờ để tăng thu nhập. Thói quen này kéo dài qua những năm 1980 có kinh tế bùng nổ rồi những năm 1990 kinh tế bấp bênh. Tới nay, không người Nhật nào phản ứng khi phải làm hơn 12 giờ/ngày.
Bất chấp luật quy định thời gian làm việc là 40 giờ/tuần, người Nhật không chịu từ bỏ làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá là năng lực kém. “Không ai bắt buộc nhưng chính người lao động cảm thấy cần phải làm thế” - ông Koji Morioka, giáo sư tại Trường ĐH Kansai, giải thích.
Theo Bộ Lao động Nhật Bản, năm 2015 ghi nhận 189 ca tử vong vì karoshi nhưng các chuyên gia lo ngại con số thực tế lên tới hàng ngàn người. Đặc biệt, sau thời gian dài được cho là chuyên xảy ra với lao động nam, karoshi đang chứng kiến ngày càng nhiều nạn nhân nữ, chủ yếu là tự sát. Điều đáng nói, đa phần họ còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi - theo ông Hiroshi Kawahito, luật sư và là Tổng Thư ký Hội Luật gia bảo vệ những nạn nhân karoshi. Ông Kawahito từng đại diện cho một gia đình nữ nhà báo qua đời vì đau tim khi mới hơn 30 tuổi. “Thực ra, ở Nhật Bản không hiếm người ngoài 30 tuổi bị bệnh tim” - ông Kawahito khẳng định.
Tờ The Washington Post dẫn số liệu thống kê cho thấy có 8%-9% người lao động Nhật Bản làm việc hơn 60 giờ/tuần và chính phủ đang nỗ lực kéo tỉ lệ này về còn 5% vào năm 2020. Chính phủ Nhật còn khuyến khích người lao động nghỉ phép, ít nhất là sử dụng 70% số ngày phép của mình. Người lao động Nhật Bản có 20 ngày phép/năm nhưng ít ai chịu nghỉ.
Giờ đây, một số công ty, nhất là trong lĩnh vực tài chính, chủ động cho phép nhân viên đi làm sớm và về sớm hơn. Thay vì từ 9 giờ tới 21 giờ, họ chuyển sang làm việc từ 7 giờ đến 19 giờ để có thời gian chăm lo con cái. Tuy nhiên, luật sư Kawahito cho rằng chính phủ chưa chạm tới gốc rễ vấn đề, đó là xử phạt các công ty phá luật.
Vấn nạn karoshi còn chỉ ra sự yếu kém của các tổ chức Công đoàn khi chỉ mới để mắt đến chuyện tăng lương mà bỏ qua việc giảm giờ làm. Góp phần làm karoshi thêm trầm trọng, theo GS Kenichi Kuroda của Trường ĐH Meiji, là “người Nhật có xu hướng làm việc tại một công ty cho tới khi nghỉ hưu” thay vì chuyển tới nơi có đãi ngộ tốt hơn.
Chính vì vậy, GS Koji Morioka của Trường ĐH Kansai cho rằng để triệt tiêu karoshi, cần phải thay đổi hoàn toàn văn hóa làm việc của Nhật Bản. Không may là điều này vấp phải thực trạng dân số Nhật đang già hóa nhanh chóng, khiến lực lượng lao động hao hụt ít nhất 1/4 vào năm 2050 và người lao động không có nhiều cơ hội giảm tải.
Bình luận (0)