Người dân Hàn Quốc vẽ ra một xã hội phân biệt đối xử rõ rệt giữa những đứa trẻ sinh ra với “muỗng vàng” trong miệng (chỉ con nhà giàu) với đứa trẻ “muỗng bẩn”. Trẻ “muỗng vàng” dễ vào đại học tốt, có sẵn công ăn việc làm. Ngược lại, trẻ “muỗng bẩn” phải làm việc với lương bổng thấp, thiếu thốn mọi bề.
Tờ The Washington Post (Mỹ) kể về trường hợp của Hwang Min-joo, biên tập viên truyền hình 26 tuổi. Cô Hwang thường đến nơi làm việc vào sáng thứ hai và chỉ ra khỏi đó tối thứ năm. Mọi sinh hoạt của cô, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến tắm rửa đều diễn ra tại văn phòng. “Nếu xong việc lúc 21 giờ thì hôm đó được xem là ngày làm việc nhẹ nhàng. Thật khó mơ đến chuyện kết hôn hay có con. Chẳng có câu trả lời cho tương lai của chúng tôi. Nếu bạn có tiền, Hàn Quốc là đất nước tuyệt vời nhưng nếu bạn không có…” - Hwang chẳng buồn nói hết câu.
Những phàn nàn như vậy ngày càng nhiều ở thế hệ của Hwang, trái ngược hoàn toàn với những ngày hoàng kim khi Hàn Quốc đang công nghiệp hóa vào những năm 60, 70 và 80 của thế kỷ trước. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều người mất việc, nhà cửa và cả hy vọng. Theo Viện Lao động Hàn Quốc, gần 2/3 thanh niên trở thành lao động thời vụ, số lượng việc làm không hợp đồng, không bảo hiểm ngày càng tăng - tỉ lệ nghịch với tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Giờ đây, làm việc tới 14 giờ/ngày không còn là chuyện lạ ở đất nước kim chi. Thậm chí, hồi năm 2012, một ứng viên cánh tả cho ghế tổng thống Hàn Quốc khởi động chiến dịch tranh cử với khẩu hiệu: “Cuộc sống không ngừng về đêm”.
Đối với người có gia đình, áp lực càng nặng nề hơn. Một ông bố 34 tuổi họ Song kể anh phải chuyển sang làm tại một công ty nhỏ hơn từ lúc vợ nghỉ việc sinh con hồi năm ngoái. Ở chỗ làm cũ của Song, chuyện làm việc từ 8 giờ hôm nay đến 1 giờ hôm sau là thường tình. “Nuôi dạy con cái rất khó khăn. Sếp cũ kêu tôi luôn hô hào: Công ty là số 1, gia đình chỉ là số 2” - anh kể.
Tuy nhiên, việc chết gí với công việc dường như vẫn chưa làm vừa lòng “người lớn”. Thế hệ đi trước buộc giới trẻ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục kiến thiết “giấc mơ Hàn Quốc”. Yeo Jung-hoon - 31 tuổi, từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường - kể rằng cha mẹ lúc nào cũng nghĩ cô không cố gắng hết sức.
Trước tình hình đó, “Địa ngục Joseon” - một nhóm được lập ra trên mạng xã hội Facebook - đã thu hút số thành viên lên đến 5.000 người. Một trang web khác mang tên “Địa ngục Hàn Quốc” liên tục đăng tải nội dung về cuộc sống “khủng khiếp” ở nước này, như giờ làm việc kéo dài, tỉ lệ tự tử cao, thực phẩm tăng giá chóng mặt... Thậm chí, nhiều diễn đàn trực tuyến chỉ cách trốn chạy khỏi Hàn Quốc, như gia nhập quân đội Mỹ để có thể nhanh chóng nhập tịch Mỹ, học làm thợ hàn - công việc được cho là có nhu cầu cao ở Mỹ và Canada...
Bình luận (0)