Giá năng lượng cao kỷ lục đã đẩy tỉ lệ lạm phát ở các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu lên 8,6% trong nửa đầu năm 2022, trong lúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa Nga và Tây Âu trở nên gay gắt.
Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố số liệu ngày 1-7 cho thấy gần 1/2 trong số 19 quốc gia thuộc khu vực đồng euro hiện ghi nhận lạm phát thường kỳ ở mức 2 con số. Đây là mức lạm phát cao kỷ lục ở khu vực này kể từ khi đồng euro được phát hành vào năm 1999.
Tờ The New York Times nhận định dữ liệu lạm phát mới sẽ củng cố kế hoạch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ tại cuộc họp vào 3 tuần tới.
ECB cũng dự định tăng thêm lãi suất vào cuối năm nay trong bối cảnh lo ngại nguy cơ lạm phát cao liên tục và triển vọng tăng trưởng kinh tế xấu đi. Tuy nhiên, việc ECB nhanh chóng tăng lãi suất có thể cản trở khả năng tăng trưởng kinh tế của khu vực vào thời điểm suy thoái.
Các tàu chở hàng tại một bến cảng container ở TP Hamburg - Đức hôm 24-6. Ảnh: REUTERS
Lạm phát ở Đức và Hà Lan giảm nhẹ trong tháng 6 nhưng cao kỷ lục ở Tây Ban Nha, lần đầu tiên lên đến 2 con số kể từ năm 1985. Ba quốc gia vùng Baltic ở Đông Bắc châu Âu gồm Latvia, Lithuania và Estonia cũng chứng kiến lạm phát cao trong nhiều tháng.
Bất chấp mức lạm phát khác nhau, tất cả quốc gia trong khối đều cảm nhận rõ tác động của giá năng lượng, vốn đã tăng 41,9%, trong năm qua tính đến tháng 6, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá thực phẩm cũng tăng đáng kể, lên 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Giới chuyên gia cảnh báo tình trạng lạm phát tăng vọt sẽ làm dấy lên làn sóng đình công trên khắp châu Âu.
Trên thực tế, Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát ở châu Âu khi năng suất lao động giảm và những cuộc đình công tại các cảng của Đức, Hà Lan khiến nhiều container dự kiến xuất khẩu sang Mỹ bị mắc kẹt. Theo tổ chức theo dõi lịch trình tàu Sea-Intelligence, chỉ có 30%-40% lịch trình vận chuyển bằng tàu trên toàn cầu diễn ra đúng giờ.
Ông Andreas Braun, Giám đốc sản phẩm vận tải đường biển EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại Crane Worldwide Logistics (Mỹ), cho rằng sự tắc nghẽn từ các cảng này đang lan sang các cảng lớn khác ở châu Âu. Sự chậm trễ của các tàu đến, khâu xử lý container và tình trạng tồn đọng container cũng như vận tải đường bộ là những vấn đề phổ biến.
Tình trạng này không chỉ là nguyên nhân gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu mà còn có thể đẩy giá cước lên cao. Những chi phí này được chuyển sang người tiêu dùng, góp phần làm tăng thêm lạm phát. Ông Braun nhận định sự tắc nghẽn tại các cảng châu Âu tạo ra hiệu ứng domino của sự chậm trễ. Thời gian các tàu rời châu Âu đến bờ Đông Mỹ cũng sẽ kéo dài.
Kỳ nghỉ hè hỗn loạn
Các kỳ nghỉ trên khắp châu Âu có thể rơi vào hỗn loạn trong mùa hè này do các cuộc đình công hàng loạt và tình trạng thiếu nhân viên. Các du khách Anh đã đối mặt với cơn ác mộng trong những tuần gần đây vì sự chậm trễ, hủy chuyến và hành lý bị thất lạc tại các sân bay bận rộn nhất nước Anh. Theo tờ Metro, nhân viên hãng British Airways tại sân bay London Heathrow cũng đã kêu gọi đình công liên quan vấn đề tiền lương gây tranh cãi.
Người lao động ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Scandinavia cũng đã bỏ phiếu hoặc đang thảo luận về việc đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện việc làm. Hàng chục chuyến bay đã bị hủy ngày 2-7 tại sân bay quốc tế Charles-de-Gaulle, sân bay bận rộn nhất nước Pháp. Các cuộc đàm phán ngày 1-7 giữa ban quản lý và người lao động không đạt được kết quả. Điều này có thể dẫn đến các cuộc đình công khác vào cuối tuần tới - thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ hè cao điểm tại Pháp.
Bình luận (0)