Trong hồi ký mới nhất có tựa đề "What happened", bà Hillary Clinton ghi lại những trải nghiệm cá nhân trong quá trình vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Bà đã nêu ra nguyên do nào khiến mình thất bại trước ông Donald Trump.
Bị ghét bỏ chỉ vì là phụ nữ
Theo cựu ngoại trưởng Mỹ, có 16 lý do chính. Tất nhiên, bà Clinton nhìn nhận có những lý do hoàn toàn chủ quan, như dùng máy chủ riêng để viết và nhận thư điện tử lúc đương chức ngoại trưởng trái với quy định, vi phạm điều khoản bảo đảm bí mật quốc gia.
Bà Clinton cũng cho rằng mình đã khinh suất trong việc đánh giá cử tri ủng hộ ông Donald Trump (quá nửa là "những người đáng thương"). Chiến lược tranh cử của bà đi theo lối mòn khuôn sáo. Trong khi đó, đối thủ rất sáng tạo, biến cuộc vận động tranh cử thành một sô truyền hình thực tế cực kỳ hấp dẫn - vốn là thế mạnh của tỉ phú và là ngôi sao truyền hình Donald Trump.
Trong lịch sử tranh chức tổng thống Mỹ, bà Clinton là ứng cử viên một đảng chính trị lớn thuộc phái yếu đầu tiên. Do đó, theo bà, nạn kỳ thị giới tính và chứng sợ phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng khiến bà thua cuộc.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS, bà chia sẻ: "Tôi bắt đầu vận động tranh cử trong tâm thức phải dốc hết sức làm cho 2 phái nam - nữ cảm thấy thoải mái chấp nhận có nữ tổng thống. Nhưng điều đó không khớp với thực tế - sự thành kiến trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong đầu óc chúng ta. Chủ nghĩa kỳ thị giới tính và chứng sợ hãi phụ nữ đã đóng một vai trò nhất định trong cuộc bầu cử. Chúng ta thật sự không muốn có một tổng tư lệnh thuộc phái yếu".
Bà Hillary Clinton trong ngày đầu tiên phát hành hồi ký “What happened” Ảnh: REUTERS
Tổng thống Nga Vladimir Putin bị bà Clinton tố cáo can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng theo hướng đó. Bà phân tích: "Điều ông Putin muốn là gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ông ta thật sự không thích phụ nữ mạnh mẽ. Cộng 2 yếu tố này lại thì rõ ngay nguyên nhân. Tôi chưa bao giờ hình dung ông ta dám tấn công theo kiểu ném đá giấu tay nền dân chủ Mỹ ngay trước mũi chúng ta".
Cộng đồng tình báo Mỹ trong năm qua tin rằng tin tặc Nga đã đọc lén thư điện tử Đảng Dân chủ, rằng chính quyền Nga bỏ tiền đăng quảng cáo (chống Đảng Dân chủ) trên các trang mạng xã hội. Khỏi nói, bà Clinton rất giận. Bà còn đi xa hơn, tố cáo các cộng sự của ông Donald Trump "đi đêm" với Nga, cùng hợp sức đánh bại bà.
Làm đại diện Đảng Dân chủ cũng là một nhân tố đầy rủi ro, theo bà Clinton. "Tôi là người được Đảng Dân chủ đề cử nhưng tôi không thừa hưởng gì ở đảng. Ủy ban Quốc gia Dân chủ đang trên đà vỡ nợ. Tôi phải bơm tiền vào để nó tiếp tục hoạt động".
Bà Clinton cũng cay đắng nhận xét: "Thật khó để đắc cử tổng thống khi đảng (Dân chủ) vừa có 2 nhiệm kỳ. Đó là một thực tế mang tính lịch sử".
Từ 1 sao lên 5 sao
Độc giả và các nhà phê bình sách đã có những phản ứng trái chiều về cuốn hồi ký mới nhất của bà Clinton. Đây là điều bình thường, khi tác giả là một chính khách nổi tiếng và cuốn sách thuộc thể loại hồi ký. Tuy nhiên, trên Amazon.com, trang web bán hàng trên mạng lớn nhất nước Mỹ và thế giới, một điều bất thường đã xảy ra.
Trong vòng 24 giờ sau khi cuốn "What happened" bán qua mạng, ý kiến đánh giá của độc giả đã quay ngoắt 180 độ. Ban đầu, ý kiến đánh giá 1 sao (chê bai) chiếm gần 90%. Sau đó, cuốn sách được đánh giá 5 sao (khen hết lời) toàn tập. Hiện nay, trên Amazon.com, cuốn sách được đánh giá trung bình 3 trên 5, theo trang tin Zero Hedge.
Chuyện gì đã xảy ra? Theo thông lệ, khi rao bán sách, Amazon.com đăng công khai ý kiến độc giả về nội dung của nó. Mục đích của công ty là rộng đường thông tin về chất lượng sản phẩm thông qua ý kiến người đọc.
Vấn đề là trong mấy ngày đầu, ý kiến chê bai (1 sao) chiếm ngót nghét 90%. Sau đó, ý kiến khen (5 sao) vọt lên chiếm số đông. Amazon.com thừa nhận đã xóa hơn 900 ý kiến tiêu cực của độc giả với lý do vi phạm điều lệ của công ty.
Giải thích hiện tượng này trên tạp chí Fortune, người phát ngôn của Amazon.com cho biết: "Chúng tôi muốn bảo đảm ý kiến đánh giá được đăng trên mạng công ty liên quan thật sự đến sản phẩm. Độc giả có quyền bày tỏ sự yêu thích hoặc không thích. Đánh giá chúng có ích hay có hại cho quyển sách không phải là vai trò của chúng tôi. Song, công ty có đặt ra một tiêu chí là không để ý kiến của một số cá nhân lấn át hoàn toàn ý kiến của số đông trong cộng đồng. Chúng tôi có quyền xóa những ý kiến vi phạm tiêu chí đó".
Nhật báo Anh The Telegraph cho biết sau một ngày bán quyển hồi ký của bà Clinton, Amazon.com đăng hơn 1.600 ý kiến phản hồi. Trong đó, nhiều ý kiến chỉ chê bai tác giả chứ không đả động gì đến nội dung sách hay dở ra sao, đại loại: "Viết bậy bạ", "Rước của nợ này về chỉ mất thời giờ và tiền bạc" hay "Đổ lỗi cho mọi người trừ tác giả"… Trong đó, người ta phát hiện chỉ có 338 ý kiến xuất phát từ những người thật sự mua sách.
Tiếp theo đó, Amazon.com xóa hơn 900 phản hồi tiêu cực, để lại phần lớn phản hồi loại 5 sao. Việc này không rõ do áp lực từ Nhà Xuất bản Simon & Shuster - nơi in sách - hay công ty sợ mất doanh thu.
"Hạ hỏa", thức tỉnh
Trong hồi ký "What happened", bà Hillary Clinton đã vinh danh Giáo hoàng John XXIII và nhất là Giáo hoàng Francis. Cựu ngoại trưởng kể lại chính Giáo hoàng Francis đã giúp bà "hạ hỏa" sau khi bị ông Donald Trump đánh bại ở "phút thứ 89".
Ngày 25-4, bà Clinton tham dự hội thảo Công nghệ, giải trí và thiết kế (TED) tại Vatican. Lần đầu tiên được mời tham gia TED, Giáo hoàng Francis đã có một buổi diễn thuyết về "cách mạng của sự dịu dàng", kêu gọi mọi người thực hành "sự bình đẳng, đoàn kết và cư xử nhã nhặn". Theo bà Clinton, đây là một cơ hội "không thể tin được", nó khiến bà thức tỉnh. Bà nhớ lại: "Khi ấy, tôi nhận thức được rằng lúc này, đó là điều cần thiết hơn cả cho nước Mỹ, rằng chúng ta có thể kêu gọi "sự thấu cảm triệt để".
Bình luận (0)