Mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra đêm 8-11-2016: Ứng cử viên tổng thống Mỹ có sự chuẩn bị kỹ càng nhất trong lịch sử bị một doanh nhân chẳng hề có kinh nghiệm chính trị đánh bại. Hơn thế nữa, ông Donald Trump - người ngoại cuộc - quyết định ra ứng cử chỉ vì trước đó vài năm đã bị tổng thống Obama buông lời giễu cợt.
Thế nhưng, chuyện đó diễn ra như thế nào thì ít ai biết. Ngày 12-9 vừa qua, bà Hillary Clinton - người thua cuộc - đã cho phát hành tại Mỹ cuốn hồi ký dài ngót nghét 500 trang có tựa đề "What happened" (tạm dịch "Chuyện là như thế này") kể lại câu chuyện ít ai biết ấy.
"Tại sao mình thất bại?"
Bà Clinton vốn là một chính khách nổi tiếng của Đảng Dân chủ. Thất bại của bà là một câu chuyện ít ai ngờ đến. Cho nên, "What happened" đã thu hút đông đảo người đọc - không chỉ là "fan" của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ mà còn có "fan" của đương kim Tổng thống Donald Trump - ngay từ lúc ra mắt vì nó đã được chờ đợi từ lâu. Người ta thực sự muốn biết bà Clinton nghĩ gì về sự thất bại đó. Cuốn hồi ký - đây là quyển thứ ba của bà Clinton - phần nào đã thỏa mãn lòng hiếu kỳ của độc giả.
Để đạt kết quả doanh thu tốt nhất, bà Clinton đã cẩn thận thực hiện một chiến dịch tiếp thị - dự kiến sẽ kéo dài nhiều tháng - hết sức bài bản, khởi đầu từ ngày 10-9 bằng cách xuất hiện trên đài CBS News trả lời phỏng vấn của MC Jane Pauley trong chương trình "Sunday Morning" xung quanh cuốn sách. "Kể từ ngày 8-11 năm ngoái, không có ngày nào tôi không tự hỏi: Tại sao mình thất bại? Đến mức, tôi không thể tập trung vào những chuyện khác" - bà thừa nhận.
Bà Hillary Clinton trong chương trình “Sunday Morning” Ảnh: CNN
Trong tâm thế sẵn sàng đảm nhiệm chức vụ nữ tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bà Clinton cảm thấy sốc nặng khi nghe kết quả đếm phiếu. Bà đã soạn sẵn bài diễn văn chiến thắng, chứ cái ý nghĩ soạn trước bài diễn văn chấp nhận thất bại "chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi" - bà Clinton vừa nói vừa cười với MC Jane Pauley. Vậy mà cuối cùng, bà phải làm việc ấy một cách miễn cưỡng.
"Hiện nay, tâm trạng tôi đã tốt nhưng điều này không có nghĩa là tôi đã cho qua những gì đã xảy ra. Nỗi đau vẫn còn đó. Rất đau" - bà Clinton trải lòng. Chương trình "Sunday Morning" đã bắt đầu như thế.
Bà Clinton cho biết mấy tuần đầu, bà cảm thấy hụt hẫng, đầu óc trống trơn, đắm chìm trong nỗi buồn khó tả. Một thất bại quá ê chề. "Đầu óc tôi nặng trĩu cảm giác bị hắt hủi, mất phương hướng" - bà chia sẻ với Jane Pauley.
Để giải sầu, cựu ngoại trưởng Mỹ thời tổng thống Obama và cựu thượng nghị sĩ bang New York tập yoga, đi thơ thẩn trong rừng vắng hàng giờ, chăm sóc đàn chó cưng, sắp xếp lại không biết bao nhiêu lần các tủ sách, uống Chardonnay - loại vang trắng mà bà yêu thích. Bà cũng bỏ ra nhiều thời gian nghiền ngẫm các bài báo, tài liệu phân tích sự thất bại của mình để tự tìm ra lời giải đáp dễ chịu nhất.
Không thể kết nối với cử tri
Cựu ngoại trưởng Mỹ thừa nhận đã mắc nhiều sai lầm không đáng có mà nếu làm lại từ đầu, bà sẽ làm khác. Những sai lầm đó bao gồm sử dụng tắc trách máy chủ riêng để trao đổi email cá nhân khi đương chức ngoại trưởng, dẫn tới việc bị điều tra hình sự; không thể kết nối với cử tri và nhất là chiến lược vận động tranh cử tổng thống. Bà Clinton đã nhận trách nhiệm về tất cả sai lầm cá nhân đó.
Trong phần tự kiểm, bà Clinton thừa nhận mình "không có sự đam mê và nhiệt huyết" như chồng bà đã thể hiện xuất sắc tại cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 1992. Bà cũng nhận sai khi cho rằng phân nửa cử tri ủng hộ ông Donald Trump là "những kẻ đáng thương". Điều này khiến bà tiếc nuối. Nói chung, bà Clinton đã có những nhận định, những bài diễn văn và thái độ mà mãi sau này bà mới nhận ra là sai, sai nghiêm trọng.
Về chiến lược tranh cử, bà Clinton cho rằng mình đã mắc sai lầm khi chăm bẳm vào truyền thống cũ - từ cách chuẩn bị những bài diễn văn đậm chất ý thức hệ chính trị đến cách tiếp cận cử tri thiếu sáng tạo. Trong khi đó, ứng cử viên Donald Trump điều hành một cách chuyên nghiệp cuộc vận động tranh cử như một chương trình truyền hình thực tế sống động, bám sát tâm tư và tình cảm của cử tri vốn bất mãn với thực trạng xã hội.
Trao đổi với MC Jane Pauley, bà Clinton bộc bạch: "Tôi hiểu chứ. Tôi hiểu rằng có nhiều người Mỹ bất mãn với tình hình kinh tế khó khăn nên tỏ ra giận dữ. Tôi tin rằng bổn phận của tôi là đưa ra những lời giải chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng đó là một sai lầm vì họ không muốn nghe những kế hoạch của tôi. Họ chỉ muốn tôi chia sẻ sự bất mãn đó. Đáng lý ra, tôi phải nghe theo họ, phải chứng minh cho họ biết là tôi hiểu rõ điều đó".
Tóm lại, bà Clinton đã không đưa ra được một thông điệp đơn giản để kết nối với quần chúng. Nói chung, bà tự nhận đã đánh giá sai môi trường bầu cử trong quá trình vận động tranh cử và đặc biệt đánh giá thấp đối thủ Donald Trump. Hậu quả là bà phải trả giá. Cho đến giờ, cái cảm giác "không hiểu tại sao không trở thành tổng thống" vẫn còn đó trong bà.
Khuyến mãi bánh pizza
Ngày 12-9, rất đông người dân New York đã tụ tập trước nhà sách lừng danh Barnes & Noble ở quận Manhattan. Đây là nơi bà Clinton ký tặng những người mua sách của bà. 11 giờ, chương trình ký tặng mới bắt đầu nhưng tờ mờ sáng, nhiều người đã xếp hàng chờ mua sách và thu thập chữ ký của tác giả. Để chắc ăn, một số người đã quyết định cắm trại ngủ trước nhà sách đêm 11-9. Rất bất ngờ, họ nhận được bánh pizza do chính bà Clinton mua tặng.
Một người sử dụng mạng Twitter nhắn tin: "Mình đang cắm trại trước nhà sách Barnes & Noble chờ săn chữ ký của bà Clinton vào sáng mai. Người của bà đã đến tặng bánh pizza "nhân danh cựu ngoại trưởng". Tin nhắn Twitter còn kèm theo hình ảnh và được chia sẻ ngay trong đêm. Bà Clinton đã xác nhận tin nhắn này và đáp lễ bằng một tin nhắn khác trên Twitter: "Hãy thưởng thức món bánh. Hẹn gặp lại vào ngày mai!".
Kỳ tới: Nổi da gà với ông Donald Trump
Bình luận (0)