"Hộ chiếu vắc-xin" hứa hẹn trở thành một trong những công cụ hữu ích làm nền tảng cho quá trình khôi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Từ châu Á đến châu Âu
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 17-3 đề xuất kế hoạch cấp "Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số" (DGC) - một loại "hộ chiếu vắc-xin" - nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại tự do và an toàn giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh đại dịch Covid-19. DGC có giá trị chung trong các nước thành viên EU, được cấp cho những đối tượng đã chủng ngừa hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. DGC sẽ được cấp miễn phí, hiển thị bằng hai ngôn ngữ gồm ngôn ngữ chính thức của quốc gia thành viên phát hành và tiếng Anh, có tính tương tác, an toàn, không mang tính phân biệt đối xử. Nó có sẵn ở định dạng kỹ thuật số hoặc văn bản giấy và được tích hợp mã QR.
DGC do Ủy ban châu Âu đề xuất sẽ chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân tối thiểu, phần thông tin y tế sẽ bao gồm ngày tiêm chủng vắc-xin, loại vắc-xin, kết quả xét nghiệm hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. EC nhấn mạnh hệ thống "Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số" là một biện pháp tạm thời và công cụ sẽ hết hiệu lực chỉ sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế quốc tế.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cầm “thẻ xanh” chứng nhận đã tiêm vắc-xin vắc-xin Covid-19 hôm 4-3 Ảnh: REUTERS
Đề xuất sẽ còn phải được tất cả quốc gia nội khối EU chấp thuận. Ủy ban châu Âu kỳ vọng DGC sẽ khôi phục quyền tự do đi lại, là một trong những quyền cơ bản trụ cột của EU, nhằm giúp công dân trong khối di chuyển tự do một cách an toàn, có trách nhiệm và đáng tin cậy. Theo đài Euronews, đề xuất DGC cần phải được thông qua nhanh chóng ở cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu để có thể triển khai ngay trong mùa hè năm nay.
Trước EU, Trung Quốc đã khởi động chương trình cấp chứng nhận y tế điện tử cho người dân muốn ra nước ngoài, dẫn đầu thế giới về kế hoạch cấp "hộ chiếu vắc-xin". Người dân Trung Quốc đã có thể sở hữu chứng nhận y tế điện tử hiển thị tình trạng tiêm chủng vắc-xin của người dùng và kết quả xét nghiệm thông qua một chương trình trên nền tảng mạng xã hội WeChat kể từ ngày 8-3. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, chứng nhận y tế điện tử bao gồm mã QR cho phép các quốc gia khác có được thông tin sức khỏe của công dân Trung Quốc nhập cảnh.
Trung Quốc dự kiến đàm phán công nhận "hộ chiếu vắc-xin" với từng quốc gia trong số 40 nước đã thỏa thuận mua vắc-xin của họ. Từ trước khi triển khai "hộ chiếu vắc-xin", chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu người dân cung cấp mã QR y tế trong WeChat và các ứng dụng điện thoại khác để được phép sử dụng các phương tiện giao thông nội địa cũng như không gian công cộng. Mỹ và Anh cùng một số quốc gia khác trên thế giới cũng đang xem xét việc cấp chứng nhận y tế tương tự.
Phao cứu sinh của ngành du lịch
Đề xuất "Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số" của EC nói trên ngay lập tức đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Điều này sẽ tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể và rất cần thiết cho các nền kinh tế, giúp bảo vệ hàng triệu việc làm. Iceland từ ngày 18-3 sẽ mở cửa biên giới cho toàn bộ du khách đã được tiêm vắc-xin mà không cần phải trải qua xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc.
Trong khi dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, một số nước EU phụ thuộc vào du lịch như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Croatia đang kỳ vọng việc áp dụng hệ thống "hộ chiếu vắc-xin" có thể mở đường cho mùa du lịch vào mùa hè năm nay nhằm giúp vực dậy ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề. Theo tờ Telegraph (Anh), riêng Hy Lạp đã có thỏa thuận "bong bóng vắc-xin" với Israel và Cyprus, cho phép người đã tiêm chủng có thể đi lại giữa 3 nước mà không cần cách ly.
Trong nỗ lực khôi phục hoạt động bay trên toàn cầu, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đang phát triển chương trình "hộ chiếu vắc-xin" của riêng mình thông qua ứng dụng mà họ hy vọng có thể được công nhận tại các sân bay trên toàn thế giới. Từ giữa tháng 3, Singapore Airlines đã yêu cầu hành khách trên chuyến Singapore đến London - Anh sử dụng ứng dụng di động Travel Pass (thẻ thông hành số) do IATA phát triển. Ứng dụng lưu trữ thông tin sức khỏe của hành khách, gồm kết quả xét nghiệm Covid-19 và tình trạng tiêm chủng. Hãng Malaysia Airlines cũng dự tính tích hợp ứng dụng Travel Pass vào ứng dụng điện thoại của họ dưới dạng một thẻ số hóa về sức khỏe.
Không đứng ngoài cuộc, một số công ty du lịch ở Thái Lan đang phát động chiến dịch "Mở cửa Thái Lan an toàn", kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1-7 tới. Chính quyền Thái Lan cho hay nước này đang nghiên cứu về ý tưởng "hộ chiếu vắc-xin". Từ tháng 4, hãng Air New Zealand cũng sẽ yêu cầu hành khách đi từ TP Auckland tới Sydney - Úc dùng thử Travel Pass như "hộ chiếu vắc-xin" nhằm giúp xác minh tình trạng tiêm phòng và kết quả xét nghiệm Covid-19 của hành khách. Các hãng British Airways (Anh), Qatar Airways (Qatar), Emirates, Etihad Airways (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) cũng đăng ký thí điểm ứng dụng Travel Pass trên một số chuyến bay của họ.
WHO không ủng hộ
WHO hồi tháng 2 công bố một báo cáo tạm thời phản đối việc tiêm vắc-xin được xem là điều kiện đi lại tự do giữa các nước. WHO đưa nhiều lo ngại về mặt khoa học, đạo đức, luật pháp và công nghệ nhằm khuyến cáo chính phủ các nước không theo đuổi ý tưởng "hộ chiếu vắc-xin". Theo mạng tin tức Euronews (Pháp), WHO cho rằng vẫn còn những ẩn số quan trọng liên quan đến hiệu quả của việc tiêm chủng vắc-xin chẳng hạn như mức độ hạn chế sự lây nhiễm, mức độ bảo vệ của vắc-xin trước các ca nhiễm không có triệu chứng và khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)