Qua vụ rò rỉ dữ liệu của hãng luật Mossack Fonseca (Panama), Thủ tướng Cameron phải đối diện với hàng loạt câu hỏi về sự liên quan đến Blairmore Holdings, một công ty ở nước ngoài do người cha quá cố của ông là Ian Cameron thành lập.
Trả lời kênh truyền hình ITV, Thủ tướng Cameron nói đã bán số cổ phần đó hồi năm 2010, ngay trước khi trở thành thủ tướng và đóng các loại thuế theo luật định ở Anh cho khoản lợi nhuận ông có được từ việc bán cổ phần.
Thủ tướng Anh David Cameron và vợ - bà Samantha Ảnh: PA
Ông Cameron tuyên bố: “Samantha và tôi có chung tài khoản và chúng tôi sở hữu 5.000 cổ phần trong quỹ đầu tư Blairmore trước khi bán chúng vào tháng 1-2010 với giá khoảng 30.000 bảng”. Vợ chồng Thủ tướng Cameron mua cổ phần vào năm 1997 với giá gần 12.500 bảng và bán lại vào năm 2010 với giá 31.500 bảng.
Song song đó, ông Cameron nhấn mạnh công ty này được thành lập không phải để trốn thuế. Ông Cameron cho rằng đa số chỉ trích đều dựa trên “quan niệm sai lầm cơ bản” là Blairmore được lập ra để trốn thuế. Ông khẳng định nguồn quỹ này đã “được kiểm toán nghiêm túc” và đều đặn báo cáo lên Cục Thuế Nội địa mỗi năm. Để minh bạch, đài BBC cho biết ông Cameron sẽ trưng ra bản khai thuế của mình, có thể trong tuần tới.
Thủ tướng Anh hôm 7-4 khẳng định: “Tôi không có gì phải giấu giếm. Tôi tự hào về cha mình và những gì ông đã làm, công ty mà ông thành lập. Tôi không thể chịu được việc nhìn tên của ông ấy bị lôi kéo vào vụ bê bối”. Ông Cameron thổ lộ rằng ông trải qua những ngày rất khó khăn khi phải đọc những chỉ trích về cha mình và công việc kinh doanh của ông. “Cha tôi là người mà tôi yêu thương, ngưỡng mộ và luôn nhớ đến mỗi ngày” - ông Cameron chia sẻ.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ông không biết liệu số tiền 300.000 bảng được thừa kế từ cha mình có liên quan tới 'thiên đường thuế" hay không.
Trong 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca - được gọi với tên "Hồ sơ Panama", Blairmore Holdings bị cho là đã sử dụng “những cổ phần vô danh” để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Ông Ian, người qua đời năm 2010, là một trong 5 giám đốc người Anh từng tham gia các cuộc họp của ban lãnh đạo công ty ở Bahamas hoặc Thụy Sĩ.
Đây là lần giải thích thứ 5 trong vòng 4 ngày qua mà Thủ tướng Cameron và các trợ lý của ông đưa ra. Downing Street ban đầu nói rằng đây là "vấn đề riêng tư", sau đó ông Cameron nói ông "không sở hữu cổ phiếu hay bất cứ quỹ nào ở nước ngoài".
Người phát ngôn của ông tiếp đó khẳng định: "Thủ tướng, vợ ông và các con của họ không được hưởng lợi từ bất cứ quỹ hải ngoại nào" trước khi Downing Street tái cam đoan: "Không có quỹ hải ngoại nào mà họ (gia đình thủ tướng) sẽ được hưởng lợi trong tương lai".
Bình luận (0)