Nhiều nhân vật có ảnh hưởng ở châu Á có tên trong "Hồ sơ Pandora" vừa được Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố hôm 3-10. Họ thuộc số hàng ngàn người khắp thế giới bị xem là có liên hệ đến những công ty hoặc quỹ tín thác tại các thiên đường thuế.
Tại Malaysia, hơn 10 người nổi tiếng, trong đó có ít nhất 4 chính trị gia còn hoạt động, có tên trong "Hồ sơ Pandora".
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz hôm 4-10 cho biết đang tham vấn đội ngũ pháp lý sau khi trang tin Malaysiakini cho rằng ông vẫn còn liên hệ với Công ty Capital Investment (Labuan) Limited. Theo ông Aziz, công ty này hiện thuộc về Tập đoàn Kenanga và ông đã từ bỏ vai trò điều hành, lãnh đạo tập đoàn vào năm 2010.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz. Ảnh: Reuters
Cũng theo trang Malaysiakini, "Hồ sơ Pandora" nhắc đến ông Zahid Hamidi, chủ tịch đảng Tổ chức Dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO), trong vai trò giám đốc của Công ty Breedon Limited, trụ sở ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI).
Trong khi đó, một số nhân vật như cựu bộ trưởng tài chính Daim Zainuddin và nghị sĩ William Leong khẳng định họ không làm gì sai trong các giao dịch liên quan đến công ty tại thiên đường thuế.
Còn tại Indonesia, 2 bộ trưởng và một số doanh nhân cũng có tên trong "Hồ sơ Pandora".
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto nói với trang Tempo rằng ông không biết gì về các công ty mà ông bị tố đã thành lập ở BVI.
Phát ngôn viên của Bộ trưởng Điều phối hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan xác nhận ông này từng làm việc cho Công ty Petrocapital SA đăng ký tại Panama từ năm 2007 đến 2010 nhưng nói thêm khi đó ông chưa làm việc cho chính phủ.
Bộ trưởng Airlangga Hartarto. Ảnh: tribunnews.com
"Hồ sơ Pandora" cũng hé lộ ông Dennis Uy, một trong nhà gây quỹ hàng đầu cho Tổng thống Rodrigo Duterte và là người giàu thứ sáu của Philippines, là chủ sở hữu Công ty China Shipbuilding and Exports Corp tại BVI.
Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade và các người con của ông kiểm soát Công ty Solart Holdings Limited tại BVI.
Một số cái tên nổi bật trong chính phủ của Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng có tên trong "Hồ sơ Pandora", buộc nhà lãnh đạo này lên tiếng sẽ tiến hành điều tra và có hành động phù hợp nếu phát hiện hành vi sai trái.
Tại nước láng giềng Ấn Độ, khoảng 300 cái tên được nhắc đến, trong đó có siêu sao môn bóng gậy Sachin Tendulkar, một số chính khách, cựu quan chức chính phủ...
Ông Sachin Tendulkar. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, hơn 1.000 công ty và cá nhân ở Nhật Bản có tên trong "Hồ sơ Pandora", nổi bật là Takao Yasuda (nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Don Quijote) và Masayoshi Son (Chủ tịch Tập đoàn SoftBank). Cả hai công ty này khẳng định không có chuyện phạm pháp gì ở đây.
Doanh nhân Feng Qiya là chính khách Trung Quốc duy nhất được nói đến kể từ khi "Hồ sơ Pandora" được công bố. Feng Qiya đã lập Công ty Linkhigh Trading ở nước ngoài vào năm 2016 nhưng doanh nghiệp này hiện không còn hoạt động.
Tại Hồng Kông, tỉ phú Tung Chee Hwa và cựu Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh bị cho là có liên quan đến các công ty ở thiên đường thuế.
Giới chức và một số lãnh đạo các nước đã lên tiếng sau khi "Hồ sơ Pandora" được công khai. Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật.
Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis khẳng định ông không làm gì sai sau khi xuất hiện cáo buộc ông đã sử dụng một công ty ở nước ngoài để mua một bất động sản ở Pháp trị giá 22 triệu USD. Trong khi đó, Điện Kremlin cũng gọi những gì được nêu trong "Hồ sơ Pandora" là "những cáo buộc thiếu căn cứ"
Bình luận (0)