Phát biểu tại phiên họp của câu lạc bộ quốc tế Valdai về Cận Đông cuối tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov, đặc phái viên Tổng thống Nga về Cận Đông và châu Phi, tuyên bố nếu không có sự trợ giúp của lực lượng không quân Nga, thủ đô Damascus - Syria đã trở thành thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Đòn trừng phạt
Lần đầu tiên máy bay ném bom tầm xa được Nga sử dụng trên lãnh thổ Syria là vào giữa tháng 11-2015, khi vụ máy bay hành khách Nga Airbus A321 rơi ở Synai - Ai Cập được xác định là hậu quả của hành động khủng bố mà IS đã nhận trách nhiệm.
Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về “sự trừng phạt”. “Hoạt động quân sự của máy bay chúng ta ở Syria không chỉ đơn thuần là tiếp diễn. Nó phải được tăng cường để những kẻ phạm tội ác hiểu rằng chúng không thể tránh được sự trừng phạt” - ông Putin nhấn mạnh.
Đợt xuất kích đầu tiên của các máy bay ném bom chiến lược Nga Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3 diễn ra sau đó 5 ngày. 12 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đã không kích mục tiêu IS ở các tỉnh Raqqa và Deir ez-Zor, trong khi máy bay chiến lược mang tên lửa Tu-160 và Tu-95MS phóng 34 tên lửa hành trình xuống các vị trí đóng quân của phiến quân ở Aleppo và Idlib. Cuối tháng 11 đầu tháng 12-2015, những chiếc Tu-22M3 tiếp tục ném bom tiêu diệt khủng bố, sau vụ máy bay Nga Su-34 bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên đường oanh kích trở về.
Rõ ràng, Nga đã tính toán đến hiệu quả to lớn về mặt truyền thông khi sử dụng máy bay tầm xa chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan bởi đây không phải là mục tiêu xứng đáng. Nhiệm vụ cơ bản của máy bay tầm xa Nga là tiêu diệt các điểm thông tin liên lạc, điều khiển, các sân bay, cơ sở hạ tầng quan trọng ở hậu phương của đối phương.
Theo website Gazeta.ru, từ đó, việc điều động máy bay tầm xa không kích các mục tiêu ở Syria đã trở thành hành động trừng phạt quen thuộc của Nga.
Chẳng hạn, sau khi 1 trực thăng Nga bị bắn rơi trên lãnh thổ Syria, hôm 12-7, Moscow đã ra đòn trừng phạt. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 6 máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa siêu thanh Tu-22M3 đã dội bom mục tiêu IS ở các khu vực Đông Palmira, Al-Sukhnah và Arak tại Syria. Một doanh trại lớn của IS, 3 kho vũ khí, 3 xe tăng, 4 xe quân sự, 8 xe chuyển quân trang bị súng máy cỡ lớn cùng nhiều phiến quân đã bị tiêu diệt. Sau đó, 6 máy bay này quay trở lại căn cứ ở miền Nam Nga.
Nhiều “đồ chơi” tối tân
Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsy cho rằng máy bay tầm xa được sử dụng như một công cụ tượng trưng liên quan đến các sự kiện bi thảm nào đó ở vùng Cận Đông. Theo ông, đó là hành động mang tính biểu tượng.
Cựu tư lệnh không quân Nga, tướng Petr Deinekin, cũng đồng tình với nhận xét này. Ông phân tích: “Với tư cách một phi công chiến đấu, tôi nhận thấy việc sử dụng máy bay tầm xa có thể có một số nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là để chứng tỏ khả năng chiến đấu của các máy bay ném bom tầm xa của Nga. Chúng có thể dội bom đối phương ở khoảng cách rất xa căn cứ. Thế nhưng, nguyên nhân chính là trả thù cho các phi công của chúng ta đã tử nạn. Phải cho kẻ thù biết rằng hành vi giết hại đồng đội của chúng ta sẽ phải bị trừng trị”.
Trong khi đó, hôm 5-6, máy bay đối ngầm tầm xa Tu-142, được mệnh danh là “thợ săn” tàu ngầm nguyên tử, lần đầu tiên đã xuất hiện trên bầu trời Syria, ở khu vực TP Aleppo. Tu-142 được chế tạo trên cơ sở máy bay ném bom tầm xa Tu-95 nổi tiếng. Nhìn bên ngoài, Tu-142 gần như không khác gì Tu-95. Thế nhưng, Tu-142 được thiết kế để có thể bay xa hơn loại Tu-95 thông thường, đồng thời có các ăng-ten do thám vô tuyến điện để dò tìm tàu địch trên mặt nước cũng như ngầm bên dưới.
Hải quân Nga hiện được trang bị 27 máy bay Tu-142 với 2 phiên bản Tu-142M3 và Tu-142MK. Loại máy bay này có cả một tổ hợp ăng-ten trông như cây thông. Tàu chiến Nga neo đậu ở căn cứ Tartus - Syria, khó có thể xác định chuyện gì đang diễn ra ngoài Địa Trung Hải - nơi tàu chiến và tàu ngầm NATO hiện diện. Do đó, “thợ săn” Tu-142 sẽ làm nhiệm vụ này, cùng với máy bay do thám Il-38. Theo các chuyên gia, khác với Il-38, Tu-142 mang theo tên lửa đối ngầm, có thể chiến đấu với cả tàu mặt nướс nếu đối phương nghênh chiến.
Ngoài các loại máy bay ném bom và chiến đấu, Nga còn đưa đến Syria máy bay do thám mới nhất Tu-214R - được báo chí mệnh danh là “con mắt toàn năng”, có khả năng theo dõi hoạt động quân sự của đối phương cách xa hàng trăm cây số. Chưa hết, mới đây, cuối tháng 10-2016, Nga đã lần đầu tiên sử dụng ở Syria loại trực thăng mới nhất Ka-31SV - được gọi là “radar biết bay”. Theo website 42.tut.by, Ka-31SV đã xuất hiện ở khu vực Latakia với các trực thăng tấn công Mi-35M và Mi-28N hộ tống.
Ka-31SV được lắp đặt ăng-ten có thể xoay chuyển hướng, tăng cường khả năng trinh sát. Kа-31SV cũng được trang bị tổ hợp kỹ thuật vô tuyến do thám các mục tiêu trên mặt đất L381. Trực thăng mới này còn được lắp đặt hệ thống điều khiển tự động và hệ thống phòng vệ tích cực đối phó các loại tên lửa phòng không cầm tay. Như vậy, Kа-31SV không chỉ do thám mà còn phối hợp hành động với binh sĩ trên mặt đất trong thời gian xảy ra chiến sự.
Máy bay Mỹ “ngụy trang”
Trang web dni.ru ngày 10-10 cho biết máy bay Mỹ hoạt động trong thành phần liên minh ở Syria được sơn lại màu máy bay không quân Nga. Động thái này được tiến hành sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp gỡ các đại diện của phe đối lập ôn hòa ở Syria, đề nghị trưng ra đoạn video chứng minh “tội ác của người Nga” chống lại thường dân Syria.
Nhà báo Canada Christian Borys nhận xét trên mạng xã hội Twitter: Có thể chỉ là sự trùng hợp hoặc là chuyện bình thường nhưng thật thú vị khi Mỹ đổi màu các máy bay chiến đấu F/A-18 của họ sang màu của máy bay Nga. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng Mỹ đổi màu sơn cho các máy bay đánh bom ở Syria để buộc tội cho Nga sau này.
Bình luận (0)