Bắc Kinh đang phản ứng cùng một kiểu mỗi khi gặp rắc rối trước đây: Bơm tiền vào hệ thống kinh tế. Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bơm 74 tỉ USD để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ, Quốc Vụ viện Trung Quốc cũng thông báo kinh phí đầu tư hạ tầng 200 tỉ USD... Đây vốn là những sách lược mà chúng ta từng thấy.
Với một số người, các bước đi tài chính và tiền tệ nêu trên chứng tỏ sức mạnh của Bắc Kinh, vừa ra tay nhanh lẹ, quyết đoán vừa có tiềm lực tài chính để đẩy lùi kết quả tệ hại nhất. Nhưng trên thực tế, đó là dấu hiệu của sự hỗn loạn toàn diện. Ông Trump thực sự đã đẩy Trung Quốc chệch hướng.
Tổng thống Donald Trump tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tại bang Florida - Mỹ vào tháng 4-2017 Ảnh: AP
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Donald Trump tỏ ra nhẹ nhàng với Trung Quốc và đóng vai người bạn tốt nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này khiến Trung Quốc yên tâm và lầm tin rằng Triều Tiên là trọng tâm đối phó của Nhà Trắng - chứ không phải thương mại. Hệ quả là Bắc Kinh không kịp đối phó.
Ông Tập và truyền thông nhà nước Trung Quốc đặc biệt kiềm chế trước cuộc chiến thương mại hiện nay. Họ cố gắng thúc đẩy kinh tế trong nước nhưng ông Trump quá khó đoán nên Bắc Kinh không thể xây dựng một chính sách dài hạn. Người Trung Quốc còn chưa rõ tổng thống Mỹ muốn gì thì làm sao đối phó được!
Chiến tranh thương mại đã bắt đầu và sẽ nhanh chóng leo thang. Hậu quả dài hạn của cuộc chiến ra sao không ai rõ. Thậm chí, Bắc Kinh hồi đầu năm nay còn không nghĩ nó có thể xảy ra. Tuy sốc nhưng Bắc Kinh chưa mất quyền kiểm soát các đòn bẩy kinh tế, họ cũng sẽ không đứng im nhìn áp lực ngày càng đè nặng. Chính sách kết hợp tài chính và tiền tệ mà họ đưa ra nhiều khả năng hóa giải được các ảnh hưởng ngắn hạn song tình hình phía trước có vẻ ngày càng phức tạp hơn.
Bình luận (0)