Tâm lý đáng sợ này phần nào được lý giải sau trận động đất vào giờ cao điểm (7 giờ 58 phút) sáng 18-6, khi Osaka hứng chịu một trong những trận động đất mạnh nhất giáng xuống tỉnh này trong nhiều thập kỷ qua - cấp độ 6,1.
Ít nhất 3 người chết, hàng trăm người bị thương và hệ thống giao thông công cộng ngừng hoạt động, khiến hàng triệu người không thể đến nơi làm việc hoặc trường học.
Như nhiều người khác, bạn trai của cô gái có tài khoản Twitter @mgr_toki đành quay về nhà, viết email gửi cấp trên thông báo tình hình. Rất nhanh chóng, câu trả lời của sếp anh này là: "Làm ơn đi bộ đến công ty để có thể nhận lương cho ngày làm việc của mình".
Theo trang Japan Today, một người dùng Twitter khác là @charlotte_delta cũng tố "công ty đen" mà mình đang làm nhanh chóng gọi điện cho nhân viên sau động đất nhưng thay vì hỏi thăm, ông sếp lại... yêu cầu nộp báo cáo đúng hạn.
Dĩ nhiên, cũng có nhiều công ty khác hỏi han, thậm chí hỏi nhân viên cần nghỉ thêm một ngày sau động đất hay không - như phản ánh của tài khoản @kzk13069, người khen ngợi nơi mình làm là "công ty trắng".
Nhiều người lao động Nhật Bản tranh thủ chợp mắt trên phương tiện giao thông công cộng Ảnh: NEW YORK TIMES
Đời công sở khắc nghiệt ở Nhật Bản còn được khắc họa rõ nét qua câu chuyện được truyền thông thế giới đua nhau đưa tin trong tuần rồi: Một nhân viên công ty quản lý nước ở TP Kobe bị trừ lương vì bỏ đi mua cơm khoảng 3 phút trước giờ nghỉ trưa chính thức.
Nhân viên 64 tuổi nói trên bị phạt hàng ngàn yen (nửa ngày lương) do 26 lần ăn cơm sớm trong vòng 7 tháng (từ tháng 9-2017 đến tháng 3-2018), với tổng thời gian 74 phút. Bốn quan chức cấp cao của công ty còn tổ chức họp báo công khai hôm 15-6, cúi gập mình xin lỗi vì đã để xảy ra "bê bối".
Mạng xã hội tranh cãi dữ dội. Một bên cho rằng công ty "làm quá", bên còn lại nói "không nên thuê người bỏ đi trong giờ làm việc". Dù tranh luận còn chưa phân thắng thua nhưng rõ ràng lối làm việc tới chết - karoshi - chưa bao giờ phai nhạt ở Nhật Bản, kể từ khi thuật ngữ này xuất hiện từ những năm 1970.
Đến giờ, người ta vẫn nhắc đến cái chết đau đớn của nữ phóng viên Miwa Sado ở tuổi 31. Cô ra đi vì tim xung huyết vào mùa hè năm 2013 sau khi làm thêm 159 giờ trong vòng một tháng để đưa tin về hai cuộc bầu cử địa phương ở thủ đô Tokyo.
Một báo cáo chính phủ vào năm 2016 chỉ ra gần 1/4 số công ty được khảo sát thừa nhận một số nhân viên của họ làm thêm hơn 80 giờ/tháng. Vài tháng kể từ báo cáo này, giám đốc quảng cáo của Công ty Dentsu, ông Tadashi Ishii, từ chức sau những phản ứng liên quan tới việc nhân viên Matsuri Takahashi, 24 tuổi, nhảy từ nóc ký túc xá công ty xuống tự tử vào năm 2015.
Hồi tháng 5 vừa qua, Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật lao động quy định trần giờ làm thêm là 720 giờ/năm, đồng thời có mức phạt cho những công ty vi phạm. Thượng viện Nhật dự kiến bỏ phiếu về dự luật trong tháng 7 tới.
Bình luận (0)