Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN thảo luận về những thách thức an ninh mà khu vực đang đối mặt, như xung đột hàng hải, khủng bố, buôn bán ma túy… tại hội nghị diễn ra ở TP Angeles, tỉnh Pampanga - Philippines hôm 23-10. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tăng cường chống khủng bố
Các chiến lược chống khủng bố được đặt lên hàng đầu chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 11 trong bối cảnh nước chủ nhà chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tiêu diệt các tay súng chiếm giữ TP Marawi trên đảo Mindanao trong 5 tháng qua. Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đã nhất trí tăng cường biện pháp chống khủng bố để ngăn các nhóm vũ trang ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có chỗ đứng tại Đông Nam Á, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đối phó mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan.
Tuyên bố chung của ADMM 11 cũng nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc thực thi hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tầm quan trọng của nỗ lực sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Thông tin mới nhất về tình hình TP Marawi khiến khu vực thở phào nhẹ nhõm bởi một số chuyên gia xem đây là mở đầu cho tham vọng lớn hơn của những kẻ trung thành với IS trong việc sử dụng các vùng rừng núi ở Mindanao để làm căn cứ huấn luyện, tuyển mộ và phát động tấn công tại khu vực.
Chia sẻ nỗi lo này, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cảnh báo cuộc khủng hoảng Marawi là hồi chuông cảnh tỉnh cho khu vực, nhất là sau khi một số tay súng tham gia đến từ những nước khác, trong đó có cả Malaysia. "Chúng ta phải rất cẩn thận. Những gì xảy ra ở Marawi có thể xảy ra ở bất kỳ đâu" - ông Hussein nhận định.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại hội nghị Ảnh: REUTERS
Nóng vấn đề Triều Tiên
Tờ The Straits Times nhận định trong bối cảnh IS liên tục hứng chịu thất bại nặng nề ở Trung Đông, nhiều thành viên IS có thể trở về Đông Nam Á, tập hợp lại, tuyển mộ thành viên mới, gieo rắc bạo lực và khuyến khích các vụ tấn công kiểu sói đơn độc. Để đối phó, 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines gần đây bắt đầu tuần tra chung tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Sulu. Trước đó, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã nhất trí thông qua nhiều biện pháp hơn để ngăn các tay súng đi lại khắp Đông Nam Á và nguồn tài trợ của chúng. Chưa hết, một số đề xuất trấn áp hành vi tuyên truyền, tuyển mộ của IS trên mạng đã được đưa ra.
Ngoài ADMM, sự tập trung còn được dành cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) giữa ASEAN và 8 đối tác đối thoại là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ, bắt đầu trong ngày 24-10. Trong số này, sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thu hút nhiều quan tâm do căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên theo sau các vụ phóng tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng - một vấn đề khiến các bộ trưởng quốc phòng tham dự ADMM 11 bày tỏ quan ngại sâu sắc.
Theo Reuters, ông Mattis cho biết sẽ thảo luận với các đồng minh, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, về cuộc khủng hoảng an ninh liên quan đến Bình Nhưỡng.
Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, ông Mattis sẽ đề cập "sự tôn trọng những giá trị chung, như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tự do hàng hải qua các vùng biển quốc tế, thương mại bình đẳng và có qua có lại". Hãng tin AP tiết lộ ông Mattis sẽ kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết để làm đối trọng với Trung Quốc sau khi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực ít nhiều bị tác động bởi quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Donald Trump.
Ngoài ra, Washington còn muốn các nước ASEAN bắt tay nhau trong việc gây sức ép để kiềm chế tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Bình luận (0)