Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) đã bế mạc tại thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 15-12 trong sự thất vọng về kết quả khiêm tốn đạt được. Hội nghị này buộc phải kéo dài thêm 2 ngày sau khi các bên không tìm được tiếng nói chung về các vấn đề gai góc trong cuộc chiến chống lại tình trạng toàn cầu ấm dần lên.
Tuyên bố chung của hội nghị chỉ kêu gọi tăng cường tham vọng cắt giảm khí thải và giúp các nước nghèo đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, quyết định quan trọng về những vấn đề "nóng" nhất bị trì hoãn đến Hội nghị COP26, dự kiến diễn ra tại TP Glasgow - Scotland vào năm tới, thời điểm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu dự kiến bước vào giai đoạn thực thi. Đáng chú ý, trong số này là tương lai của thị trường carbon toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhận định Hội nghị COP25 đã để lỡ cơ hội quan trọng trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi đó, đại diện các đảo quốc chỉ trích phản ứng trên là không đủ trong bối cảnh các nước này đối mặt mối đe dọa đến từ mực nước biển dâng. Điều tích cực hiếm hoi là hội nghị COP25 đã khép lại với kết quả tốt nhất có thể sau khi có lúc suýt đổ vỡ vì bất đồng giữa các nước gây ô nhiễm lớn, các nền kinh tế đang nổi và những quốc gia bị tổn thương vì khí hậu.
Hội nghị COP25 khép lại hôm 15-12 với kết quả không như kỳ vọng Ảnh: REUTERS
Các nhà vận động từng hy vọng hội nghị COP25 sẽ là nơi các nước tăng cường nỗ lực đối phó cuộc khủng hoảng khí hậu sau khi chứng kiến các thảm họa bão lũ, cháy rừng chết chóc hoành hành từ đầu năm đến giờ. Tuy nhiên, sự kỳ vọng đã trở thành thất vọng khi các nước thải nhiều khí gây ô nhiễm không chịu tình nguyện cắt giảm thêm carbon, bất chấp lời kêu gọi của các đảo quốc, các nước kém phát triển và Liên minh châu Âu.
Mỹ, Úc và Ả Rập Saudi là những quốc gia phản đối mạnh mẽ điều này. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ (hai nước phát thải carbon hàng đầu và thứ 4 thế giới) nói rõ họ không cần thiết phải tăng cam kết cắt giảm khí thải so với kế hoạch áp dụng cho đến năm 2030. Riêng Mỹ còn bị cáo buộc cản trở tiến triển đàm phán về một số nội dung tại hội nghị dù sẽ rời khỏi Hiệp định Paris vào năm tới. Theo một số nhà hoạt động, Washington đã ngăn chặn nỗ lực của thế giới trong việc giúp đỡ những người đang có cuộc sống bị xáo trộn bởi biến đổi khí hậu.
Kết quả khiêm tốn của hội nghị COP25 đe dọa phủ bóng lên mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris là ngăn nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Một số chuyên gia thậm chí xem đây là mục tiêu bất khả thi giữa lúc xuất hiện cảnh báo rằng ngay cả khi mọi quốc gia thực thi kế hoạch hiện nay theo Hiệp định Paris, trái đất vẫn đang trên đường ấm thêm hơn 3 độ C vào năm 2100.
Cảnh báo trên càng có cơ sở khi báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu quốc tế Global Carbon Project (GCP) cho biết tổng phát thải carbon toàn cầu trong năm 2019 dự kiến tăng lên 43,1 tỉ tấn, một con số cao kỷ lục và đe dọa làm khó hơn nữa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thông tin tích cực hiếm hoi từ báo cáo là khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch dự kiến chỉ tăng 0,6% năm nay, so với mức 2% năm 2018. Tuy nhiên, ông Rob Jackson, Giám đốc GCP, nhấn mạnh điều này vẫn chưa đủ bởi những gì thế giới đang cần là lượng khí thải phải sụt giảm.
Bình luận (0)