Theo Reuters, việc Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt vẫn chưa bù đắp được tác động tiêu cực từ sự tăng trưởng chậm lại của Mỹ và châu Âu.
Theo khảo sát của Caixin/S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tại Trung Quốc trong tháng 1-2023 tăng lên 49,2, so với mức 49 của tháng trước. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp con số này dưới 50. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.
Một nhà máy tại TP Higashiosaka - Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Tại Nhật Bản, chỉ số PMI của Ngân hàng au Jibun trong tháng 1-2023 là 48,9. Con số này không thay đổi so với tháng trước đó, qua đó cho thấy các nhà sản xuất tiếp tục gặp khó vì nhu cầu toàn cầu thấp.
Trong khi đó, PMI tại Hàn Quốc trong tháng 1 là 48,5, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp con số này dưới 50. Sự thu hẹp sản xuất cũng được ghi nhận ở Malaysia nhưng Indonesia và Philippines lại chứng kiến hoạt động sản xuất mở rộng.
Một số nhà phân tích nhận định hiện chưa rõ kinh tế châu Á có chống chọi được những ảnh hưởng từ nhu cầu toàn cầu suy giảm và lạm phát cao kéo dài hay không.
Ông Toru Nishiama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản), cho rằng dù giai đoạn suy giảm tồi tệ nhất ở châu Á đã qua nhưng triển vọng lại bị che mờ bởi những vấn đề ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu. "Với sự phục hồi từ đại dịch COVID-19 đang diễn ra, các nền kinh tế châu Á cần một động lực tăng trưởng mới nhưng đến nay vẫn chưa có" - ông Nishiama nhận định.
Bình luận (0)