Dự luật này đang gây tranh cãi gay gắt tại Hồng Kông vì nó sẽ hình sự hóa việc lạm dụng quốc ca Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra bên ngoài cơ quan lập pháp để phản đối dự luật trên.
Nếu được cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua, dự luật sẽ điều chỉnh việc sử dụng và trình diễn quốc ca Trung Quốc.
Nội dung dự luật bao gồm các điều khoản đe dọa trừng phạt những người bị kết tội xúc phạm quốc ca Trung Quốc với bản án tối đa 3 năm tù và/hoặc phạt tiền lên tới 50.000 HKD.
Dự luật tuyên bố rằng "tất cả cá nhân và tổ chức" nên tôn trọng quốc ca Trung Quốc và chỉ trình diễn nó vào "những dịp thích hợp". Theo dự luật, học sinh tiểu học và trung học phải được dạy hát quốc ca Trung Quốc, cùng với lịch sử và nghi thức kèm theo.
Các cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông. Ảnh: Tyrone Siu
Các cuộc biểu tình chống chính quyền năm 2019 chủ yếu nhằm chống lại sự hội nhập sâu của Trung Quốc vào Hồng Kông. Trong thời gian đó, quốc ca Trung Quốc đã bị la ó tại một số sự kiện, bao gồm cả các trận bóng đá.
Người biểu tình và các chính trị gia dân chủ cho rằng dự luật này là dấu hiệu mới nhất về những gì họ cho là sự can thiệp gia tăng từ Trung Quốc vào thuộc địa cũ của Anh.
Anh trao trả Hồng Kông cho chính quyền Trung Quốc vào năm 1997 với đề nghị các quyền tự do và lối sống cốt lõi của thành phố sẽ được bảo vệ theo công thức "một quốc gia, hai chế độ". Trung Quốc đã hứa tôn trọng các nội dung trên.
Chính quyền Hồng Kông nói rằng dự luật trên được soạn thảo dựa trên tình hình và hệ thống pháp lý của đặc khu hành chính này.
"Tinh thần chính của dự luật là "tôn trọng", hoàn toàn không có mối quan hệ nào với việc "hạn chế quyền tự do ngôn luận" và chắc chắn không phải là "luật xấu" - một phát ngôn viên của chính quyền Hồng Kông biện hộ.
Tuy nhiên, một thẩm phán cao cấp gần đây nhận định với Reuters rằng đây là luật Hồng Kông đầu tiên trông như được viết ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Hiệp hội luật sư Hồng Kông thừa nhận sự cần thiết của các luật như thế nhưng cho biết một số phần của dự luật "đi chệch khỏi truyền thống tốt đẹp" của hệ thống luật pháp Hồng Kông.
Trước áp lực của Bắc Kinh,, chính quyền Hồng Kông cho biết ưu tiên hiện nay là dự luật trên được được thông qua trước khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm của Hội đồng Lập pháp vào tháng 7-2020.
Bị sa lầy trong cuộc chiến thủ tục lập pháp, dự luật có thể phải đối mặt với phiên thảo luận lần thứ ba sau ngày 27-5 trước khi dự kiến được bỏ phiếu vào đầu tháng 6-2020.
Bình luận (0)