Hàng ngàn người hô vang khẩu hiệu: “Bao vây các trụ sở chính phủ” và tiến tới các tòa nhà chính quyền tại quận Admiralty (Kim Chung).
“Mục đích là làm tê liệt hoạt động của các cơ quan nhà nước. Chính quyền đặc khu đang cố trì hoãn và chúng tôi cần phải gia tăng sức ép” - Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông Alex Chow nói.
Đây được xem là cuộc đụng độ dữ dội nhất trong mấy tuần gần đây và do 2 nhóm sinh viên, học sinh kêu gọi tiến hành.
Ngay tức thì, hàng trăm cảnh sát chống bạo động xuất hiện, sử dụng hơi cay và dùi cui để đẩy lùi người biểu tình, dẫn đến các cuộc đụng độ và tình trạng hỗn loạn.
Một số tình nguyện viên y tế có mặt tại các điểm biểu tình để giúp đỡ những người bị thương. Nhiều người bị vết thương hở ở đầu. Cảnh sát cho biết tính đến 3 giờ ngày 1-12 (theo giờ địa phương), ít nhất 40 người bị bắt và cảnh báo có thể số người còn tăng
Diễn biến trên tiếp ngay sau khi 2 nhóm lãnh đạo biểu tình kêu gọi người biểu tình quay trở lại chiếm đóng các tuyến đường trung tâm vào tối 30-11.
7.000 cảnh sát đã được huy động để ứng phó trước khả năng leo thang của phía biểu tình. Đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình cũng xảy ra hồi tuần trước sau khi nhân viên thi hành án dỡ bỏ lều trại ở khu vực Mong Kok (Vượng Giác), làm hơn 100 người bị bắt.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo cuối tuần trước, Cựu Cục trưởng Cục Công vụ Hồng Kông Vương Vĩnh Bình nhận định trong 2 năm tới, có thể xuất hiện bạo động thường xuyên bắt nguồn từ phong trào “Chiếm lĩnh Trung tâm”. Sau khi Hồng Kông trải qua xung đột và bất ổn lớn đó, chính quyền trung ương có thể trao cho đặc khu nhiều quyền tự chủ, ông Vương dự báo.
Trong diễn biến liên quan, một nhóm các nhà lập pháp Anh điều tra các mối quan hệ của Anh với Hồng Kông cho biết Trung Quốc không cho phép họ đặt chân đến đặc khu này.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, Ngài Richard Ottaway, lên án thái độ "đối đầu" của Bắc Kinh. Theo ông, nhóm điều tra định đến Hồng Kông vào cuối tháng 12 để điều tra tình trạng áp dụng của Tuyên bố chung Trung - Anh, vốn là cơ sở để chuyển giao đặc khu trên về lại Trung Quốc vào năm 1997.
Tuy nhiên, cuối tuần trước, ông Ni Jian - phó đại sứ Trung Quốc tại London - thông báo nhóm trên không được đến Hồng Kông.
Đụng độ đêm 30-11 rạng sáng 1-12 ở Hồng Kông. Nguồn: Reuters
Bình luận (0)