Ông Donald Trump dự định đi vào lịch sử bằng cách trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp một lãnh đạo Triều Tiên. Thế nhưng, một vấn đề hết sức quan trọng mà tới nay vẫn còn hết sức mờ mịt: Họ sẽ gặp nhau ở đâu?
Khó lường
Mông Cổ và Thụy Điển đã đề nghị sẽ chủ trì cuộc gặp chưa từng có tiền lệ này. Seoul "tiến cử" Nhà Hòa bình (Peace House) ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm giữa biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội để làm một bên trung gian toàn cầu. Ngoài ra, đất nước trung lập Thụy Sĩ, nơi ông Kim từng theo học, cũng sẵn sàng mở vòng tay. Một con tàu đậu trên vùng biển quốc tế thì sao? Hay đảo Guam, tại sao không?
Đây quả thật là lựa chọn không dễ bởi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới không phải là một sự kiện bình thường. Kể từ lên nắm quyền tháng 12-2011, nhà lãnh đạo của đất nước cô lập nhất thế giới không bước ra khỏi biên giới cho tới cuộc viếng thăm bất ngờ đến Trung Quốc hồi cuối tháng rồi. Và nếu ông Trump tới Bình Nhưỡng, không khó để tưởng tượng sự rối loạn về hậu cần tới mức nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: REUTERS
Hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều tháng qua thề thốt tiêu diệt lẫn nhau và họ đều không phải những người ít lời hay dè dặt. "Hai nhà lãnh đạo đều có khiếu cường điệu và tuyên bố nắn gân nhau" - Giám đốc chương trình an ninh quốc tế Euan Graham tại Viện Lowy (Úc) nhận định.
Nói về những địa điểm tiềm năng, trước tiên có thể tính tới Washington. Ông Kim Jong-un vốn mong muốn thế giới chứng kiến đất nước của mình ngang hàng với Mỹ và ông có thể xem một chuyến đi tới Washington là bằng chứng. "Bất cứ lãnh đạo Triều Tiên nào cũng muốn gặp phía Mỹ một cách bình đẳng và được công nhận ở Mỹ là sự công nhận ở mức cao nhất" - chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên Tong Zhao tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) nhận định.
Trong khi đó, ông Trump vào thời điểm còn là ứng viên tổng thống từng nói sẽ cân nhắc mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Mỹ để thảo luận về vũ khí hạt nhân trong lúc thưởng thức hamburger. Tuy nhiên, ngay cả khi ông Kim cảm thấy an toàn thì máy bay của nước này chưa kham nổi quãng đường xa xôi như vậy.
Thế nên, ông sẽ cần nhờ cậy máy bay nước ngoài nếu muốn đến Washington. "Tôi không nghĩ rằng ông Kim sẽ muốn rời quê nhà quá xa và quá lâu như vậy" - chuyên gia nghiên cứu cấp cao Duyeon Kim tại Diễn đàn Tương lai bán đảo Triều Tiên (trụ sở ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc) phân tích. "Tuy nhiên, ai mà biết được, cả hai đều là những lãnh đạo độc đáo, họ có thể làm chúng ta sốc" - vị chuyên gia này nói thêm.
Tiến thoái lưỡng nan
Bình Nhưỡng cũng nằm trong danh sách lựa chọn. Cả hai cựu Tổng thống Bill Clinton và Jimmy Carter đều đã tới thủ đô Triều Tiên để hạ nhiệt căng thẳng mặc dù không còn đương nhiệm. Một chuyến thăm của đương kim tổng thống Mỹ tới Bình Nhưỡng có thể mang lại sự công nhận lớn hơn đối với ông Kim, điều mà chính quyền ông Trump muốn né tránh. Ngoài ra, giới chức Mỹ sẽ phải vắt óc tìm cách bảo đảm an ninh cho ông Trump ở một thành phố không có nhiều nhà ngoại giao tới thăm.
Nếu vậy, họp ở Trung Quốc thì sao? Nước đồng minh duy nhất của Triều Tiên từng chủ trì các cuộc đàm phán liên quan tới đất nước bí ẩn này trước đây. Họp ở Bắc Kinh sẽ cho phép giới chức theo dõi các quyết định. Tuy nhiên, Trung Quốc từng khiến ông Kim mất lòng vì hùa theo lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và lên án Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. "Tôi không tin rằng Trung Quốc hào hứng với việc dấn thân vào sự kiện có không ít rủi ro này, cho tới nay liên quan tới nhiều quyết định bốc đồng và ít có sự hoạch định chiến lược này" - nhà phân tích Yanmei Xie thuộc Công ty Nghiên cứu Gavekal Dragonomics (Trung Quốc) nhận định.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mông Cổ Ts Elbegdorj ngỏ lời trên Twitter rằng nước ông là "lãnh thổ trung lập hợp lý nhất". Ulan Bator vốn có quan hệ hữu nghị với cả Mỹ và Triều Tiên nhưng với một sự kiện mang tầm lịch sử như vậy, đất nước này chưa đủ làm vừa ý những người trong cuộc.
Một số nhà phân tích nhìn về phía Singapore - từng điều phối hội nghị thượng đỉnh năm 2015 giữa ông Tập và lãnh đạo Đài Loan lúc đó Mã Anh Cửu. Ngoài ra, châu Âu, điểm hẹn truyền thống cho các cuộc gặp thượng đỉnh khó quên, là một lựa chọn đáng để tâm. Thụy Điển vẫn còn liên lạc với Bình Nhưỡng và thậm chí còn sắm vai văn phòng lãnh sự cho người Mỹ ở Triều Tiên. Bên cạnh đó, đất nước Thụy Sĩ trung lập là nơi ông Kim trải qua một phần thời thanh xuân.
Thế nhưng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể muốn một nơi chỉ mất khoảng một ngày di chuyển. Thị trấn Vladivostok ở miền Đông Nam nước Nga đáp ứng điều đó, có điều các cố vấn của ông Trump khó lòng mặn mà với lựa chọn này giữa lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng.
Từ đó, làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu vực phi quân sự hóa (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên được xem là lựa chọn khả dĩ nhất. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu James Kim từ Viện Nghiên cứu chính trị Asan (Hàn Quốc) vẫn cho rằng địa điểm này quá khiêm tốn cho một sự kiện lớn. Cũng theo chuyên gia này, sự tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề chọn địa điểm nêu bật lên sự bấp bênh của kế hoạch gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới. "Chẳng ai có câu trả lời cho câu hỏi cuộc họp sẽ diễn ra thế nào. Nếu thế, cuộc họp sẽ thực sự được tiến hành như thế nào?" - ông James Kim đúc kết.
Bình luận (0)