Giám đốc CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) Mike Pompeo là người đã và đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao này và ông được kỳ vọng sẽ gặp gỡ phía Triều Tiên vào một thời điểm chưa được xác định.
Ông Pompeo sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán và cũng sẽ giám sát các quan hệ ngoại giao của Mỹ nếu ông được Thượng viện xác nhận sẽ thay thế ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ. Quá trình xác nhận tại Thượng viện sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.
Các quan chức Mỹ cho biết một đội ngũ các phụ tá của ông Pompeo ở CIA đang hoạt động thông qua các kênh tình báo để liên lạc với phía Triều Tiên và thực hiện các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa ông Trump và ông Kim.
Giám đốc CIA Mike Pompeo đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao với phía Triều Tiên thông qua các kênh tình báo. Ảnh: Reuters
Trước đó ông Trump đã chấp nhận lời mời gặp ông Kim Jong-un vào tháng 5 sắp tới và lời mời này được gửi đến ông Trump bởi một phái viên Hàn Quốc khi phái viên này có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ ở Phòng Bầu dục ngày 8-3 vừa qua.
Địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh vẫn chưa được quyết định nhưng phía Triều Tiên muốn tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của họ. Trong khi đó các quan chức Mỹ lại đang xem xét một địa điểm trung lập, trong đó thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ nhiều khả năng sẽ được Mỹ chọn.
Theo các quan chức Mỹ cung cấp tin cho CNN, các trợ lý của ông Kim Jong-un đã khẳng định ông sẵn sàng đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Động thái mềm mỏng này của cả 2 bên diễn ra sau một năm đầy biến động do ông Trump và ông Kim liên tục thách thức và đe dọa lẫn nhau sau các vụ tăng cường thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Mặc dù ông Trump đã giảm bớt sự chỉ trích trong các phát ngôn của ông đối với Triều Tiên trong thời gian gần đây nhưng những lời cảnh báo mới đây của ông về một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể sẽ tác động đáng kể đến cuộc đàm phán sắp tới giữa ông và ông Kim Jong-un.
Ông Trump đã nhận lời mời gặp ông Kim Jong-un vào tháng 5 tới. Ảnh: Reuters
Bắc Kinh dường như đã rất tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chính quyền ông Kim Jong-un thể hiện qua việc giảm mạnh nhập khẩu từ Triều Tiên. Tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên cũng đã giảm mất 33% xuống chỉ còn 34% trong hai tháng đầu năm nay.
Việc chính quyền Triều Tiên tỏ ra mềm mỏng trong thời gian qua và chấp nhận đối thoại với ông Trump và phía Hàn Quốc được nhận định phần lớn là do sức ép kinh tế từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.
Trong khi đó, hôm 7-4 Triều Tiên và Hàn Quốc đã tổ chức đối thoại kín ở biên giới 2 nước về việc thiết lập một đường dây nóng để liên lạc giữa các nhà lãnh đạo 2 miền Triều Tiên trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lịch sử Hàn –Triều vào ngày 27-4 tới giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Bình luận (0)