Quần đảo Natuna là một chuỗi gồm 270 đảo xa xôi của Indonesia trên biển Đông. Cư dân ở đó sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng.
Tuy nhiên, đối mặt tham vọng bành trướng của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu trong tuần này tiết lộ kế hoạch gửi binh lính, 3 tàu chiến, 1 phi đội chiến đấu cơ cũng như nâng cấp căn cứ quân sự ở đó.
Trước đó, vào tháng rồi, Tư lệnh không quân Indonesia Agus Supriatna cho biết Bộ Quốc phòng nước này sẽ chi hơn 14,2 triệu USD cho bước đi nâng cấp nói trên. “Chúng tôi mong muốn biến căn cứ không quân ở Natuna thành một căn cứ quân sự phức hợp, một Trân Châu Cảng của Indonesia” - ông Agus Supriatna kỳ vọng.
Việc đẩy mạnh quân sự hóa Natuna là bước đi mới nhất của Indonesia nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở biển Đông, nơi Jakarta bắt đầu thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với 90% vùng biển này.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên biển Đông, Indonesia có thể còn bắt tay với Nhật Bản để ứng phó. Ông Ryacudu trong ngày 17-12 sẽ tham gia cuộc đàm phán an ninh “2+2” đầu tiên với Nhật Bản tại thủ đô Tokyo, nơi các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng của hai nước có thể bàn chuyện mua bán thiết bị quân sự.
Chuyến đi Nhật của ông Ryacudu có thể bao gồm một chuyến thăm một nhà sản xuất thủy phi cơ. Phát biểu với hãng tin Kyodo, ông Ryacudu nhấn mạnh: “Chúng tôi phải tăng cường khả năng quân sự để ứng phó trước bất kỳ mối đe dọa nào, như đánh cá hoặc xâm nhập trái phép”.
Trong một diễn biến khác, Úc đang lên kế hoạch điều tàu hộ tống tên lửa HMAS Darwin đi ngang biển Đông trong tháng 1-2016 để chứng tỏ cho Trung Quốc thấy nước này tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải quốc tế. Theo lịch trình, tàu HMAS Darwin sẽ đi ngang biển Đông khi trên đường từ Ấn Độ trở về nước.
Bình luận (0)