Lần trước, ông Hayes lênh đênh trên một chiếc thuyền đánh cá. Cách đây vài ngày, ông trở lại trên một chiếc Cessna 206 của Philippines và hạ cánh ở đảo Pagasa, thực chất chỉ là một dải đất dài khoảng 400 m vừa đủ để một máy bay loại nhỏ hạ cánh.
Chuyến đi của ông Hayes gặp khó khăn ngay từ đầu. Trong bài viết đăng tải ngày 14-12, ông kể đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã liên lạc với đài BBC, cảnh báo họ không nên “tiếp cận vùng lãnh thổ do Philippines chiếm đóng bất hợp pháp ở biển Đông”, tức đảo Pagasa.
Sau cùng, chính phủ Philippines đồng ý cho ông Hayes và 4 người khác, gồm 2 phi công, 1 kỹ sư và 1 nhân viên quay phim tham quan đảo. Từ tỉnh Palawan, nhóm của Hayes bay thẳng đến Pagasa rồi dừng lại tiếp nhiên liệu, sau đó bay về phía Tây Nam vòng qua bãi Đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép. Khi trở về Palawan, máy bay của ông Hayes bay qua Đá Vành Khăn.
Trong lúc bay ở phía Nam đảo Pagasa, ông Hayes nhìn thấy bãi Đá Gaven. Ông nhận ra bởi đã nhìn thấy nó trên các bức ảnh vệ tinh. Mới hồi năm ngoái, khi ông đi thuyền qua bãi đá này, nó còn chưa được cải tạo.
Tuy nhiên, đúng lúc đó, Hải quân Trung Quốc gửi cảnh báo tới chiếc Cessna 206 qua liên lạc vô tuyến: “Máy bay quân sự không xác định ở phía Tây bãi Đá Nanxun (tức Gaven), đây là Hải quân Trung Quốc. Các bạn đang đe dọa sự an toàn của trạm của chúng tôi! Để không xảy ra nhầm lẫn hãy rời khỏi khu vực này ngay lập tức”.
Nhóm của ông Hayes liền bay về hướng Tây Nam tới Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Yongshu) và lập tức lại bị đe dọa khi còn cách khoảng 20 hải lý. “Máy bay quân sự nước ngoài ở phía Tây Bắc đảo Yongshu, đây là Hải quân Trung Quốc. Các bạn đang đe dọa sự an toàn của trạm của chúng tôi!”.
Lần này, phi công nhanh chóng chuyển hướng về phía Bắc, cách xa Đá Chữ Thập dù ông Hayes nài nỉ tiếp cận bãi đá này gần hơn. Nhưng viên phi công quyết định trở lại đảo Pagasa và giải thích ông phải đặt an toàn lên trên hết vì không biết lực lượng Trung Quốc sẽ làm gì nếu họ phớt lờ cảnh báo. “Ông phải hiểu, chúng tôi là phi công dân sự, không phải quân đội. Chúng tôi không biết những gì họ có thể làm nên phải đặt an toàn lên hàng đầu” – người này nói.
Ông Hayes vẫn thuyết phục cho máy bay trở lại và lập luận: “Chúng ta không phạm luật thì người Trung Quốc sẽ không bắn chúng ta. Bạn phải nói cho họ biết rằng chúng ta đang bay trên máy bay dân sự trong không phận quốc tế”.
Cuối cùng, sau nhiều giờ hội ý, nhóm của ông Hayes một lần nữa trở lại Đá Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Đá Meiji) và khi cách 12 hải lý, cảnh báo vang lên: “Máy bay quân sự nước ngoài tại phía Tây Bắc bãi Đá Meiji, đây là Hải quân Trung Quốc. Các bạn đang đe dọa sự an toàn của trạm của chúng tôi!”.
Phi công chiếc Cessna 206 đáp lời: “Hải quân Trung Quốc, đây là máy bay dân sự Philippines trên đường đến Palawan, chở hành khách dân sự. Chúng tôi không phải máy bay quân sự mà là máy bay một động cơ dân sự”. Cảnh báo lặp lại nhưng có sự thay đổi: “Máy bay quân sự nước ngoài tại phía Bắc Đá Meiji, đây là Hải quân Trung Quốc!”.
Sau đó, nhóm của ông Hayes men theo rìa phía Bắc của Đá Vành Khăn và giữ cự ly 12 hải lý. Họ nhìn thấy các đầm phá đầy ắp tàu, cả lớn và nhỏ, nhiều nhà máy xi măng, nền nhà… Kế đến, một đường băng sừng sững hiện ra, cách bờ biển Philippines khoảng 140 hải lý. Ông Hayes làm một phép tính nhanh, trong đó một máy bay chiến đấu Trung Quốc chỉ mất 8-9 phút để tiếp cận bờ biển Philippines từ đường băng này.
Bình luận (0)