Ông Teten Masduki, chánh văn phòng Tổng thống Joko Widodo, cho biết: "Nếu người biểu tình yêu cầu phá hủy bức tượng, chính quyền không thể nhượng bộ trước áp lực như thế".
Tượng thần Quan Vũ, một vị tướng được người dân Trung Quốc thờ cúng, được khánh thành hồi tháng 7 tại một ngôi chùa ở thị trấn Tuban và được cho là bức tượng thần cao nhất Đông Nam Á.
Bức tượng trị giá 187.500 USD ở Tuban, cách TP Surabaya khoảng 100 km về phía Tây, đã được che đậy một phần sau các cuộc biểu tình. Một cuộc tranh cãi về bức tượng giữa những người ủng hộ và phản đối cũng nổ ra trên mạng xã hội.
Bức tượng được che một phần sau các cuộc biểu tình. Ảnh: Reuters
Trong tuần này, những người biểu tình đã phản đối bức tượng bên ngoài văn phòng chính phủ ở Surabaya. Một số người mặc trang phục theo kiểu bán quân sự và cầm biểu ngữ "phá hủy bức tượng" và "chúng tôi không thờ tượng thần".
Một người biểu tình giấu tên nói trong đoạn video được đăng tải trên trang Kompas.com rằng việc cho phép dựng bức tượng về tướng nước ngoài là biểu tượng phản bội quốc gia. Quản lý chùa Kwan Sing Bio, nơi dựng bức tượng nói trên, từ chối bình luận nhưng người ủng hộ cho biết bức tượng này giúp ích cho ngành du lịch.
Ông Suli Da'im, một nhà lập pháp ở Đông Java, nói rằng các cuộc biểu tình phản đối bức tượng chủ yếu là vì chủ nghĩa dân tộc. "Điều họ phản đối là bức tượng đó không đại diện cho vị tướng hay chỉ huy của họ" – ông Suli Da'im giải thích. Theo quan chức này, bức tượng cũng chưa có giấy phép xây dựng.
Indonesia là một quốc gia thế tục có hiến pháp bảo vệ sự tự do tôn giáo và tính đa dạng. Nhưng gần đây, xuất hiện lo ngại rằng tình trạng không dung nạp các giá trị bên ngoài đang gia tăng, làm ảnh hưởng danh tiếng của đất nước có đa số dân là người Hồi giáo ôn hòa. Ngoài 85% dân số theo đạo Hồi, Indonesia còn có dân số theo đạo Phật, Kitô giáo, Hindu và các dân tộc thiểu số khác.
Bình luận (0)