Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Reuters tại TP Nam Jakarta, thủ lĩnh Phong trào bảo vệ án lệnh của Hội đồng Ulemas Indonesia Bachtiar Nasir, cho biết sự giàu có của người Trung Quốc tại Indonesia là một vấn đề cần quan tâm. Ông Nasir ủng hộ chính phủ tổ chức một chương trình hành động vì người bản địa, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng ở quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất thế giới này.
Cộng đồng người Hoa chỉ chiếm gần 5% dân số Indonesia nhưng họ sở hữu nhiều công ty lớn cũng như có khối tài sản kếch sù. Ông Nasir khẳng định đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn và nguồn lực từ Trung Quốc, "về cơ bản không giúp được gì nhiều cho người dân Indonesia".
"Vấn đề tiếp theo mà chúng tôi cần giải quyết, đó là chủ quyền kinh tế và bất bình đẳng kinh tế. Chính phủ cần đảm bảo không bán Indonesia cho người nước ngoài, nhất là Trung Quốc" – ông Nasir nói.
Thủ lĩnh Phong trào bảo vệ án lệnh của Hội đồng Ulemas Indonesia Bachtiar Nasir. Ảnh: REUTERS
Hồi cuối năm 2016, phong trào do ông Nasir dẫn đầu đã tổ chức các cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm ngàn tín đồ Hồi giáo ở thủ đô Jakarta sau khi Thống đốc Basuki Tjahaja Purnama (người gốc Hoa) bị cho là báng bổ kinh Koran.
Cựu Tổng thống Indonesia Suharto từng thi hành chính sách kiềm chế công dân Trung Quốc sinh sống tại nước ông, trong đó có biện pháp không cho người gốc Hoa giữ các vị trí quan trọng, cấm họ thể hiện bản sắc văn hoá và buộc phải bỏ tên tiếng Hoa nếu muốn cư trú ở Indonesia.
Bị cách ly khỏi chính trị và xã hội, nhiều người Trung Quốc chuyển hướng sang kinh doanh và trở nên giàu có.
Làn sóng bạo động dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Suharto vào năm 1998 khiến các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc bị vạ lây. Khoảng 1.000 người đã bị giết trong các vụ bạo lực.
Nước láng giềng của Indonesia, Malaysia, cũng là một quốc gia có đa số người Hồi giáo và một bộ phận thiểu số người Trung Quốc giàu có sinh sống, từ lâu đã theo đuổi các chính sách nhằm khẳng định đặc quyền dành cho người dân bản xứ, bao gồm việc giữ chỗ trong các cơ quan dân sự và giảm giá bất động sản.
Cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Úc
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson hôm 12-5 cáo buộc Trung Quốc do thám, gây ảnh hưởng thông qua cộng đồng người Hoa và phương tiện truyền thông tại Úc.
"Trung Quốc rất tích cực trong việc thực hiện các hoạt động tình báo chống lại chúng ta" – ông Richardson nói trong buổi chia tay CLB Báo chí quốc gia. "Chính phủ Trung Quốc theo dõi cộng đồng người Hoa tại Úc một cách chặt chẽ, đồng thời kiểm soát hiệu quả các phương tiện truyền thông tiếng Hoa ở đây".
Hồi năm ngoái, cựu nhân viên ngoại giao Chen Yonglin cảnh báo số lượng gián điệp Trung Quốc đang hoạt động tại Úc ngày càng tăng lên.
Bình luận (0)