Cả 2 quốc gia Đông Nam Á này đều chống ma túy quyết liệt nhưng theo cách khác nhau. Trong khi Indonesia mạnh tay xử tử tội phạm ma túy thì Philippines trấn áp đẫm máu các nghi phạm liên quan tới ma túy mà không cần xét xử. Theo Reuters, lãnh đạo 2 nước dự kiến gặp nhau vào cuối tuần này ở thủ đô Jakarta và một trong những chủ đề thảo luận chính nhiều khả năng là các biện pháp loại bỏ nạn buôn lậu ma túy.
Ông Budi Waseso, người đứng đầu Cơ quan Phòng chống ma túy quốc gia Indonesia (BNN), hôm 6-9 cho biết BNN đang tăng cường vũ khí, điều tra viên, công nghệ và chó nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên, ông Slamet Pribadi, phát ngôn viên BNN, cho hay Indonesia sẽ không cứng rắn như láng giềng. “Hình phạt phải tuân theo luật pháp Indonesia và phù hợp luật quốc tế” - ông này nhấn mạnh.
Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên nắm quyền hồi tháng 6, đã có gần 3.000 người bị giết trong cuộc chiến chống ma túy (tính đến ngày 1-9). Trong số này, 929 người bị cảnh sát giết chết và số còn lại “bị giết ngoài vòng pháp luật”. Ông Duterte cho rằng có khoảng 3,7 triệu người trong tổng dân số 100 triệu ở Philippines nghiện ma túy và đổ lỗi cho họ gây ra tội ác, từ cưỡng hiếp, trộm cắp đến cướp giật... Thống kê của chính quyền cho thấy các vụ phạm pháp tại Philippines đã giảm 49% so với năm ngoái.
Bất chấp nhiều chỉ trích trong và ngoài nước, giới chức trách Philippines vẫn đánh giá chiến dịch khá thành công khi có đến 687.000 người dính líu đến ma túy ra đầu hàng, một con số vượt quá sự kỳ vọng. Tuy nhiên, con số khổng lồ này chỉ ra một thực trạng khác: Chính quyền Tổng thống Duterte thiếu sự chuẩn bị trong việc hỗ trợ cai nghiện khiến hầu hết họ phải tự chống chọi, theo báo The New York Times.
Tính trên cả nước có chưa đến 50 cơ sở cai nghiện đủ tiêu chuẩn và hầu hết đã chật kín. Philippines còn thiếu bác sĩ và tư vấn viên dành cho người nghiện. Để khắc phục, chính phủ đang xây thêm trung tâm cải tạo ở các căn cứ quân sự và tổ chức các buổi hướng dẫn giúp người nghiện tự cắt cơn, theo TS Bernardino Vicente, người đứng đầu nhóm phát triển dự án này. Ông Vincente cho biết thêm kinh phí để điều trị người nghiện có thể lên tới hàng tỉ USD.
Không chỉ thiếu sự hỗ trợ, khoảng 15.000 người ra đầu hàng đã bị bắt và đưa đến những nhà tù đông đúc khét tiếng hoặc thậm chí là bị bắn chết. Ví dụ cho trường hợp sau là trùm ma túy Melvin Odicta. Được thả ra sau khi đầu thú cuối tháng trước, Odicta và vợ bị một tay súng không rõ danh tính bắn chết chỉ 3 ngày sau đó.
Bình luận (0)