Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - Ngoại giao Hạ viện Indonesia Mahfudz Siddiq hôm 24-3 cho biết: “Việc xây dựng một căn cứ quân sự trên quần đảo Natuna là quan trọng đối với các hệ thống phòng thủ ở khu vực trung tâm của Indonesia”.
Chủ tịch Mahfudz Siddiq thúc giục sớm tiến hành kế hoạch xây dựng căn cứ trên - vốn được hoạch định từ năm 2015.
Đề xuất được ủy ban trên đưa ra sau sự việc ngày 19-3. Ngày hôm đó, lực lượng Indonesia cố gắng bắt giữ tàu cá Trung Quốc Kway Fey 10078 bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi Natuna. Thế nhưng, một tàu hải cảnh Trung Quốc can thiệp và ngăn cản tàu Indonesia. Tám thủy thủ trên tàu Kway Fey 10078 bị Indonesia bắt giữ.
Chính quyền Indonesia cho đánh chìm tàu cá nước ngoài đánh bắt phi pháp. Ảnh: AP
Chính phủ Indonesia đã bác bỏ lời giải thích của Bắc Kinh về sự việc trên. Khi đó, Bắc Kinh khẳng định tàu cá bị bắt khi đang hoạt động trong “ngư trường truyền thống” của nước này. Ngoại trưởng Retno LP Marsudi yêu cầu Trung Quốc làm rõ thuật ngữ đó trong công hàm phản đối chính thức tới Bắc Kinh.
Một số khu vực EEZ quanh quần đảo Natuna của Indonesia cũng bị “gom” vào trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Điều đó dường như trái với những tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hồi tháng 11-2015 khi ông này khẳng định Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna. Các nhà lập pháp Indonesia xem sự cố ngày 19-3 là sự xâm phạm đối với tính hợp pháp của tuyên bố đó.
Việc căn cứ quân sự mới trên quần đảo Natuna không phải là tín hiệu đầu tiên cho thấy Indonesia tăng cường hiện diện quân sự ở đó. Năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo lệnh cho máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra P3-C ra Natuna.
Bình luận (0)