Hãng tin ISNA dẫn lời ông Araqchi cho biết Iran đã chứng kiến việc Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của nước này ở Eo biển Gibraltar. Theo quan điểm của Tehran, điều đó vi phạm thoả thuận hạt nhân năm 2015.
Ông Araqchi kêu gọi các quốc gia tham gia ký kết thoả thuận nói trên không gây trở ngại cho hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Tàu Grace 1 bị bắt giữ ngoài khơi Gibraltar – vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh – với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria. Con tàu khi ấy được cho là chở hàng triệu thùng dầu và hướng tới Syria.
Tàu Grace 1 bị bắt giữ ngoài khơi Gibraltar – vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh – với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria. Ảnh: Reuters
Anh tuyên bố sẽ tạo điều kiện thả tàu chở dầu của Iran nếu Tehran đảm bảo nó không vi phạm lệnh trừng phạt của EU lần nữa. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sau đó bắt một tàu chở dầu treo cờ Anh tại Eo biển Hormuz để trả đũa.
Cùng ngày 28-7, ISNA đưa tin Iran dự định khởi động lại hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak. Thông báo được Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi công bố trước các nghị sĩ tại Quốc hội.
Nước nặng có thể được sử dụng trong các lò phản ứng để sản xuất plutonium, một loại nhiên liệu dùng trong đầu đạn hạt nhân.
Hồi tháng 5, Iran ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thoả thuận này vào năm 2018, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Các bên tham gia thoả thuận vẫn cố gắng duy trì nó nhưng nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn do căng thẳng giữa Washington và Tehran tăng vọt trong những tuần gần đây.
Năm nước Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc lên kế hoạch thảo luận với Iran tại Vienna – Áo để cứu vãn thoả thuận trong một cuộc họp bất thường hôm 28-7, theo Reuters. Cuộc họp được chủ trì bởi Tổng Thư ký Ủy ban Đối ngoại của EU Helga Schmid.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Oman ở thủ đô Teheran hôm 28-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài là nguồn cơn chính gây ra căng thẳng ở Vùng Vịnh.
Tuyên bố trên được cho là phản ứng đối với kế hoạch đảm bảo hoạt động vận chuyển an toàn qua Eo biển Hormuz do Anh khởi xướng. Pháp, Ý và Đan Mạch dự kiến hỗ trợ sứ mệnh do châu Âu dẫn đầu, 3 nhà ngoại giao cấp cao của EU xác nhận hồi tuần trước.
Bình luận (0)