Con số trên gia tăng sau khi có thêm 9 người thiệt mạng trong cuộc đụng độ bạo lực trên khắp Iran hôm 1-1.
Trong số này, theo đài truyền hình Iran, 6 người thiệt mạng khi đám đông người biểu tình quá khích xông vào một sở cảnh sát ở thị trấn Qahdarijan để đánh cắp vũ khí.
Ngoài ra, một bé trai 11 tuổi và một thanh niên 20 tuổi thiệt mạng tại thị trấn Khomeinishahr trong khi một thành viên lực lượng bán quân sự Vệ binh Cách mạng Iran chết tại thị trấn Najafabad.
Theo đài truyền hình Iran, cả 3 người này bị bắn bằng súng săn, loại súng phổ biến vùng nông thôn Iran. Các thị trấn này đều thuộc tỉnh Isfahan, cách thủ đô Tehran khoảng 350 km.
Một chiếc xe bị đốt phá trong cuộc biểu tình. Ảnh: Reuters
Một sinh viên tham gia cuộc biểu tình trong trường đại học. Ảnh: AP
Đây được xem là làn sóng biểu tình lớn nhất Iran kể từ cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2009.
Các cuộc biểu tình ủng hộ và chống chính phủ đã diễn ra trên khắp Iran kể từ hôm 28-12 năm ngoái. Kinh tế yếu kém và nạn tham nhũng là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy các cuộc tuần hành chống chính phủ. Hàng trăm người đã bị bắt.
Sinh viên trường ĐH Tehran tham gia cuộc biểu tình. Ảnh: AP
Hôm 1-1-2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cam kết nỗ lực gấp đôi để giải quyết các vấn đề về kinh tế , tình trạng thất nghiệp và lạm phát của Iran.
Sau đó, nhà lãnh đạo này cho rằng những cuộc biểu tình có thể một phần bị kích động bởi các lực lượng bên ngoài muốn gây bất ổn cho Iran.
Theo hãng tin Mehr, Tổng thống Rouhani cho biết: "Những kẻ thù ganh ghét sự vinh quang, thành công và tiến bộ của Iran và họ thề mang lại phiền toái cho Iran".
Tổng thống Iran khẳng định người dân hoàn toàn tự do phản đối và chỉ trích chính phủ nhưng cảnh báo chính quyền của ông sẽ không ngần ngại trấn áp những đối tượng vi phạm pháp luật. "Chỉ trích khác với bạo lực và phá hoại tài sản công" - ông Rouhani nhấn mạnh.
Hình ảnh một cửa tiệm bị cháy. Ảnh: Metro
Người biểu tình đụng độ cảnh sát. Ảnh: Metro
Những địa phương biểu tình chính ở Iran. Nguồn: BBC
Bình luận (0)